Giá xăng dầu thế giới
Lúc 6h ngày 26/2, trên Oilprice, giá dầu WTI giao dịch mức 76,32 USD/thùng, tăng 0,93 USD, tương đương tăng 1,23%; dầu Brent giao dịch mức 83,16 USD/thùng, tăng 0,95 USD, tương đương tăng 1,16%.
Theo giới phân tích, giá dầu thế giới tăng sau khi báo cáo về dự trữ xăng dầu của Mỹ được công bố, cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của nước này tăng 7,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/2, vượt dự báo của các nhà phân tích.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng tác động tới giá dầu trong phiên này là nhu cầu đối với dầu thô theo mùa tại Mỹ xuống thấp hơn do các nhà máy lọc dầu đang trong mùa bảo dưỡng. Theo Công ty Nghiên cứu năng lượng IIR, công suất lọc dầu của Mỹ dự kiến sẽ tạm thời giảm khoảng 1,44 triệu thùng mỗi ngày do ngưng hoạt động.
Ngoài ra, các nhà giao dịch cũng đang đánh giá triển vọng phục hồi nhu cầu của Trung Quốc, trong khi mức tiêu thụ tại Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác thấp.
Dù vậy, theo Reuters, so cùng thời điểm này năm ngoái – đúng 1 năm sau xung đột giữa Nga – Ukraine diễn ra, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đang thấp hơn khoảng 15%. Đầu tháng 3 năm ngoái, giá dầu Brent đã đạt đỉnh trong vòng 14 năm khi chạm mức 139,13 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu WTI cũng tăng lên mức 130,5 USD/thùng. Sau đó, cả hai loại dầu này giảm dần về mức như hiện tại.
Giá xăng dầu trong nước
Liên Bộ Công Thương – Tài chính mới đây đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng giảm giá đồng loạt. Theo đó, giá xăng E5 RON92 giảm 327 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.542 đồng/lít; giá xăng RON95 giảm 324 đồng/lít, bán ra không cao hơn 23.443 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel giảm 756 đồng/lít, bán ra không cao hơn 20.806 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 748 đồng/lít, bán ra không cao hơn 20.846 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu mazut tăng 615 đồng/lít, bán ra không cao hơn 14.251 đồng/kg.
Kỳ này, nhà điều hành trích lập quỹ bình ổn với mặt hàng dầu diesel ở mức 600 đồng/lít (như kỳ trước), dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (như kỳ trước), các mặt hàng khác không trích lập. Đồng thời không chi quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu (như kỳ trước).
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố như thị trường ghi nhận thông tin nguồn cung dầu đang được cải thiện; tác động của lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga; triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn… Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, tăng đối với mặt hàng dầu mazut, các mặt hàng xăng biến động ít.
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giảm trung gian phân phối xăng dầu
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc góp ý sửa đổi, bổ sung nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định trong tháng 2/2023 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu. Giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc và những phát sinh thời gian qua.
Việc gửi báo cáo này được Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương không được để chậm trễ.
Theo: https://baomoi.com/gia-dau-nga-du-kien-se-tang-vot/c/45138363.epi