Giảm 5 tháng liên tiếp, giá vàng “bốc hơi” 3% trong tháng 8

Bởi

Rate this post
Giá vàng thế giới sụt mạnh về gần mốc chủ chốt 1.700 USD/oz, hoàn tất chuỗi tháng giảm dài nhất kể từ năm 2018 dưới sức ép từ chiến dịch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (1/9) không giảm, dẫn tới chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới tăng lên 18 triệu đồng/lượng.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 12,5 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,7%, còn 1.712,4 USD/oz. Lúc hơn 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm thêm 7,1 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, còn 1.705,3 USD/oz.

Đây là mức giá thấp nhất của vàng thế giới trong vòng khoảng 6 tuần trở lại đây. Trong tháng 8, giá vàng giảm 3%, đánh dấu tháng giảm thứ 5 liên tiếp.

Giá vàng đang được đầu với áp lực giảm lớn khi các ngân hàng trung ương liên tục phát tín hiệu sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay để ứng phó với tình hình lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nói rằng lập trường cứng rắn của các ngân hàng trung ương là một bất lợi lớn đối với giá vàng.

Số liệu do cơ quan thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 31/8 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Eurozone tăng 9,1% trong tháng 8 so với mức kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 9% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp lập kỷ lục của lạm phát ở Eurozone, bắt đầu từ tháng 11/2021.

Đà leo thang chóng mặt của lạm phát diễn ra khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát tín hiệu về một đợt tăng lãi suất mạnh nữa trong tháng 9. ECB đã nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào hôm 21/7, đánh dấu đợt tăng đầu tiên sau 11 năm. Giới phân tích đang kỳ vọng ECB có thêm bước nhảy lãi suất tương tự hoặc 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 8/9.

Tại Mỹ cùng ngày 31/8, Chủ tịch chi nhánh Cleveland của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Loretta Mester nói rằng ngân hàng trung ương này sẽ cần phải tăng lãi suất lên trên 4% vào đầu năm tới và duy trì ở mức đó để kéo lạm phát về mức mục tiêu của Fed. Bà Mester thừa nhận nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái trong năm tới hoặc 2 năm tới đã tăng lên. Sau phát biểu này của bà Mester, giới đầu tư ở Phố Wall tăng cường đặt cược vào khả năng Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9.

Báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu, có thể củng cố thêm khả năng Fed tăng lãi suất mạnh tay. Phố Wall hiện dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 132.000 công việc mới trong tháng 8, sau khi có thêm 270.000 công việc mới trong tháng 7. Một con số tốt hơn dự báo sẽ tạo thêm áp lực giảm lớn hơn lên giá vàng.

Giảm 5 tháng liên tiếp, giá vàng “bốc hơi” 3% trong tháng 8 - Quảng Cáo Giao Dịch
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: TradingView.

Nhà phân tích Rupert Rowling của Kinesis Money nhận định rằng phản ứng của giá vàng khi trượt về gần mức chủ chốt 1.700 USD/oz sẽ thể hiện mức độ hỗ trợ đối với giá vàng trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và chiến tranh Nga-Ukraine.

Giá vàng đang được nâng đỡ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị, rủi ro suy thoái và lạm phát cao, nhưng ngược lại chịu áp lực giảm từ chính sách tiền tệ thắt chặt và xu hướng tăng giá của đồng USD.

Sau khi lập kỷ lục 20 năm gần 109,5 điểm vào đầu tuần, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD hạ về 108,7 điểm khi đóng cửa phiên ngày thứ Tư. Sáng nay, chỉ số này lại tăng vượt mốc 109 điểm.

Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tiếp tục bán ròng vàng, phản ánh tâm lý bi quan của nhà đầu tư về triển vọng giá vàng. Trong phiên ngày thứ Tư, quỹ bán ròng thêm gần 3 tấn vàng, nâng tổng mức bán ròng trong 3 phiên liên tiếp lên 10 tấn. Hiện quỹ còn nắm gần 973,4 tấn vàng.

Trong nước, lúc gần 11h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 65,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,5 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng không giảm ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 50,95 triệu đồng/lượng và 51,7 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 400.000 đồng/lượng và 500.000 đồng/lượng.

Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 65,85 triệu đồng/lượng và 66,65 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.

Mức giá hiện tại của vàng thế giới tương đương gần 48,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 400.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 18 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 17,6-17,7 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.320 đồng (mua vào) và 23.600 đồng (bán ra), tăng 40 đồng/USD so với sáng hôm qua.

Theo: vneconomy.vn

giới thiệu tổ hợp Khu Chợ – Công Viên – Khu Vui chơi – Cafe Miễn phí

Để lại một bình luận

Bài viết liên quan

Thiết kế website bởi Brand Design

Công nghệ mới bởiVZ99S666

Đồ chơi mầm non