Lộ diện room tín dụng một số ngân hàng

Bởi Thiện BTV
Rate this post

Sau khi công bố định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 từ 14 – 15%, Ngân hàng Nhà nước vừa phân bổ hạn mức (room) tín dụng năm 2023 riêng cho từng ngân hàng. Năm nay nhiều tổ chức đã dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn năm ngoái do lãi suất vay đang ở mức cao.

Cụ thể, room tín dụng của MSB 13,5%, HDBank được cấp room 11%, giảm so với 15% của năm 2022. ACB được tăng tín dụng 9,8%, VIB được 9,5% trong khi năm 2022 là 10%. TPBank được cấp room tín dụng 9,1%; VPBank và MBB cùng mức tăng 9% trong khi năm trước 15%…

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc phân bổ room tín dụng năm 2023 đối với từng ngân hàng căn cứ theo một số tiêu chí cơ bản, trong đó có kết quả chấm điểm xếp hạng ngân hàng đến thời điểm gần nhất.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14 – 15% nhưng sẽ có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp room tín dụng ban đầu cho các ngân hàng vào quý 1 và có 3 đợt nới room trong năm.

Cùng với việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng.

Trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh room tín dụng phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại chỉ thị 01.

Năm 2022, dù được phân bổ room ở mức khá cao nhưng nhiều ngân hàng đã cạn room từ tháng 4, tháng 5 và sau đó chỉ có thể giải ngân nhỏ giọt dựa trên số nợ thu được.

Còn năm nay nhiều tổ chức đã dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn năm ngoái do lãi suất cao, nên các doanh nghiệp không dám bung ra làm ăn. Bên cạnh đó thị trường bất động sản đóng băng cũng làm nhu cầu vốn giảm đi đáng kể.

Trong báo cáo chiến lược năm 2023, Công ty chứng khoán ACBS dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt khoảng 13%, thấp hơn so với mức tăng 14,5% của năm 2022.

Nguyên nhân, do lãi suất cho vay ở mức cao làm giảm nhu cầu đi vay của các khách hàng. Ngoài ra tính khả thi của các dự án đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp giảm xuống trong môi trường lãi suất cao.

Quan trọng nhất là các ngân hàng không hạ chuẩn cho vay trong bối cảnh rủi ro của nền kinh tế gia tăng.

“Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần phải quản lý quá chặt chẽ hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2023, và tình trạng “hết room” tín dụng như trong năm 2022 sẽ ít có khả năng xảy ra”, ACBS dự báo.

Theo: https://tuoitre.vn/lo-dien-room-tin-dung-mot-so-ngan-hang-20230301195657479.htm

Để lại một bình luận

Bài viết liên quan

Thiết kế website bởi Brand Design

Công nghệ mới bởiVZ99S666

Đồ chơi mầm non