Nhà băng điều chỉnh lãi suất huy động vượt mốc 6%

Bởi quangcaogiaodich

Rate this post

 Tính từ đầu tháng 5 đến hiện tại, toàn hệ thống đã 18 ngân hàng điều chỉnh tăng tăng lãi suất tiết kiệm. Hiện tại, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng cao nhất đã lên mức 6,2%/năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hôm nay (21-5), MB đã điều chỉnh tăng lãi suất với tiền gửi của khách hàng cá nhân thông thường và nhận lãi cuối kỳ. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn 1-15 tháng thêm 0,1-0,2%/năm và giữ nguyên tại các kỳ hạn còn lại.

Trong đó, kỳ hạn 1 tháng tăng từ 2,1%/năm lên 2,3%/năm, kỳ hạn 6-8 tháng tăng từ 3,5%/năm lên 3,6%/năm, kỳ hạn 12-15 tháng tăng từ 4,5%/năm lên 4,6%/năm. Kỳ hạn 18 tháng và kỳ hạn 24-60 tháng giữ nguyên, lần lượt ở mức 4,6%/năm và 5,6%/năm.

Ngoài ra, khách hàng cá nhân tại các chi nhánh thuộc miền Trung và miền Nam được hưởng lãi suất cao hơn khoảng 0,1%/năm (trừ các kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng). Theo đó mức cao nhất cho nhóm khách hàng này là 5,7%/năm dành cho tiền gửi kỳ hạn 24-60 tháng.

Trước đó ngày 20-5, HDBank thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới đồng loạt tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn 1-18 tháng thêm 0,3%/năm, trong khi giữ nguyên ở các kỳ hạn khác.

Với đợt tăng lãi suất này, kỳ hạn 1-5 tháng lãi suất tăng từ mức 2,95%/năm lên 3,25%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 4,6%/năm lên 4,9%/năm, kỳ hạn 7-11 tháng tăng từ 4,4%/năm lên 4,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5%/năm lên 5,3%/năm, kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,2%/năm lên 5,5%/năm, kỳ hạn 15 tháng tăng từ 5,8%/năm lên 6,1%/năm.

Đặc biệt sau lần tăng này, HDBank đang có mức lãi suất dành cho tiền gửi thông thường kỳ hạn 15 tháng là 6,1%/năm và kỳ hạn 18 tháng là 6,2%/năm, mức cao nhất thị trường hiện nay.

Tính từ đầu tháng 5 đến nay, 18 NH đã tăng lãi suất tiết kiệm gồm ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CBBank, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, ngân hàng số Cake by VPBank, HDBank và mới nhất là MB. Trong đó có 4 ngân hàng VIB, CBBank, SeABank và ABBank đã tăng 2 lần tăng lãi suất trong tháng.

Cụ thể, ngày 16-5 vừa qua, SeABank đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 6-36 tháng, với mức tăng 0,4%, áp dụng với biểu lãi suất tiết kiệm lĩnh lãi cuối kỳ. Trước đó ngày 9-5, SeABank cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm với mức 0,3%, áp dụng đối với kỳ hạn 12 tháng.

CBBank cũng có đã có 2 lần đồng loạt tăng lãi suất huy động tất cả kỳ hạn trong nửa đầu tháng 5. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của CBBank lên mức 5,15%/năm, kỳ hạn 12 tháng 5,3%/năm và kỳ hạn từ 13 tháng trở lên đến 5,55%/năm.

Tương tự, ngày 16-5, ABBank tăng lãi suất huy động kỳ hạn tiền gửi 6 tháng đối với sản phẩm tiền gửi trực tuyến, với mức tăng 0,1%. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp nhà băng này tăng lãi suất huy động. Trước đó ngày 15-5, ABBank cũng vừa điều chỉnh tăng thêm 0,3%/năm tại kỳ hạn 6 tháng tiền gửi trực tuyến. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6 tháng lĩnh lãi cuối kỳ tăng lên 4,6%/năm và cũng là mức lãi suất huy động cao nhất trong biểu lãi suất của nhà băng này. VIB cũng đã ban hành biểu lãi suất tiền gửi mới hai lần liên tiếp trong tháng 5, lãi suất huy động hiện dao động trong khoảng 2,5-4,9%/năm.

Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Công ty chứng khoán Tiên Phong (TPS) nêu 2 nguyên nhân thúc đẩy các ngân hàng nâng lãi suất huy động.

Thứ nhất, nhiều khách hàng đã chuyển sang kênh đầu tư khác với mức sinh lợi cao hơn thay vì lựa chọn kênh gửi tiết kiệm làm thiếu hụt dòng tiền vào hệ thống ngân hàng. Vì vậy, để thu hút khách hàng các NHTM buộc phải nâng lãi suất huy động.

Thứ hai, nền kinh tế phục hồi, sản xuất cải thiện nên cầu về nguồn vốn cũng tăng lên, buộc các NHTM phải nâng lãi suất huy động để tương xứng với cầu vốn của nền kinh tế.

TPS cũng nhận định, do chịu tác động của nhiều yếu tố như tiến trình cắt giảm lãi suất của Fed, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, sự phục hồi của nền kinh tế… nên lãi suất liên ngân hàng tiếp tục diễn biến khá phức tạp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc điều tiết lãi suất liên ngân hàng có nhiều dư địa hơn điều tiết lạm phát. Ngoài ra, lãi suất huy động tăng sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay trong thời gian tới. Từ huy động vốn đến đưa dòng vốn ra nền kinh tế thường có độ trễ từ 2-3 tháng, vì vậy, khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng lên trong 2-3 tháng tới là rất cao.

Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/nha-bang-dieu-chinh-lai-suat-huy-dong-vuot-moc-6-post114205.html

Để lại một bình luận

Bài viết liên quan