Bất động sản mới nhất: Tiền vẫn đổ vào địa ốc, nhận định phân khúc ‘vừa miếng’ đầu tư, thu hồi dự án 250 tỷ đồng xây dựng dở dang

Bởi quangcaogiaodich

Rate this post

Địa ốc vẫn là điểm đến của dòng tiền, nhận định các phân khúc được lựa chọn đầu tư nhiều nhất, Thanh Hóa thu hồi dự án 250 tỷ đồng xây dựng dở dang… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.

Kênh đầu tư bất động sản được nhận định vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng tiền khi có 65% người được khảo sát có kế hoạch mua nhà, đất trong năm 2024. (Nguồn: Báo XD)

Điểm đến của dòng tiền

Báo cáo tâm lý người tiêu dùng BĐS và những xu hướng mới của Batdongsan.com.vn đã phác thảo những định hình về các xu hướng đầu tư trong năm 2024.

Theo báo cáo, kênh đầu tư BĐS được nhận định vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng tiền khi có 65% người được khảo sát có kế hoạch mua BĐS trong năm 2024, trong đó, 60% mua với mục đích đầu tư. Chung cư và các loại hình của BĐS thổ cư là đất nền, nhà riêng, nhà phố được lựa chọn đầu tư nhiều nhất.

Như vậy, kênh đầu tư BĐS vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trong việc tìm kiếm một kênh trú ẩn an toàn và gia tăng giá trị tài sản.

Khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing cũng đưa ra những thông tin đáng chú ý khi hơn 50% người được hỏi đang cân nhắc và tích cực chuẩn bị mua nhà trong 1 năm tới. Phần lớn nhóm khách hàng này có thu nhập tầm trung và có nguồn tài chính sẵn để giao dịch. 50% người được hỏi dự định mua nhà trong một năm tới, 35% dự định sẽ mua nhà trong vòng 1-2 năm tới, chỉ có 7% dự định trên 2 năm và 9% chưa có thời gian cụ thể.

Theo ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing, thời điểm hiện tại, có khá nhiều người sử dụng vốn tự có để sở hữu BĐS. Nguyên nhân là lãi suất tiết kiệm thấp khiến họ đáo hạn sổ tiết kiệm và rót tiền vào các kênh đầu tư khác.

“Lạm phát hiện nay đã tiệm cận 4%, vàng tăng giá, chứng khoán thì không phải ai cũng có nghề để đầu tư chứng khoán, vậy thì họ phải nghĩ tới câu chuyện đầu tư BĐS’’, ông Trung nhận định.

Đáng chú ý, hơn 60% giao dịch BĐS Hà Nội có giá trị dưới 5 tỷ đồng. Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing nhận định đây là phân khúc giá dành cho các khách hàng có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư hướng tới suất đầu tư “vừa miếng”.

Với việc giá BĐS nội thành neo ở mức cao, các giao dịch BĐS dưới 5 tỷ thường tập trung ở các quận ngoài trung tâm. Chung cư dưới 5 tỷ đồng thường tập trung tại các đại đô thị tại Gia Lâm, Nam Từ Liêm trong khi nhà đất thổ cư dưới 5 tỷ tập trung tại Hà Đông, Long Biên và Hoàng Mai.

Cũng theo ông Trung, trong những năm tới, khu Đông và khu Tây vẫn là hai khu vực có nguồn cung BĐS nhà ở lớn nhất tại Hà Nội, các giao dịch chủ yếu tập trung tại hai khu vực này.

Nhận định về những diễn biến của thị trường BĐS hiện tại, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường BĐS Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu tích cực khi kinh tế vĩ mô gồm các hoạt động thương mại, dịch vụ và sản xuất đang diễn biến khả quan.

Nền kinh tế, tiêu dùng và du lịch đang trên đà tăng trưởng tốt thời điểm đầu năm. Tăng trưởng GDP đang có chiều hướng đi lên, đạt 5,7% vào quý 1/2024. Đây là con số ấn tượng bởi GDP của cả năm 2023 chỉ đạt 5,1%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý 1/2024 đạt 1.538 tỷ đồng, cao hơn cùng kì năm ngoái. Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,6 triệu người, cao nhất so với 4 quý trước đó. Những con số ấn tượng này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam tăng tốc trong thời gian tới.

Ngoài ra, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, BĐS thu hút mạnh dòng vốn FDI. Tổng vốn đầu tư FDI đăng kí cấp mới đạt 1,6 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp BĐS quay lại hoạt động cũng tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm, đạt con số 1.302, tăng 22,25% so với cùng kỳ.

Trên cả thị trường mua bán và cho thuê, mức độ quan tâm đều tăng mạnh. Trong đó, mức độ quan tâm trên thị trường mua bán trong 4 tháng đầu năm tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường cho thuê, mức độ quan tâm tăng 5% so với cùng kì năm trước.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực dự báo thị trường BĐS Việt Nam năm 2024- 2025 sẽ tốt hơn thị trường BĐS năm 2023 khi lạm phát trong tầm kiểm soát và lãi suất giảm, ở mức thấp.

Ngoài ra, các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ. Chính phủ đang đề xuất cho phép Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực sớm hơn 6 tháng, cùng thời điểm với Luật Đất đai 2024 cũng đang trình Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phép có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Bên cạnh đó, đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh tạo đà cho thị trường BĐS phát triển.

Đến thời điểm hiện tại, cung – cầu và giá cả trên thị trường BĐS đang tiến tới cân bằng hơn, phù hợp hơn, các tín hiệu khởi sắc của thị trường cũng rõ rệt hơn.

Gói vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng giải ngân đến đâu?

Trong báo cáo về tình hình triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hiện tại, mới giải ngân được 1.144 tỷ đồng của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. bao gồm 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư các dự án vay, 11 tỷ đồng cho người mua nhà vay. Như vậy, so với thời điểm hồi tháng 3, giải ngân gói này đã tăng gần gấp đôi về số vốn, nhưng cũng chỉ đạt gần 1% quy mô gói vay.

Vì vậy, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, Bộ Xây dựng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm thêm lãi suất cho vay để gói vay này phù hợp với thực tế.

Bộ Xây dựng cũng có báo cáo đến Thủ tướng về tình hình triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Tại báo cáo này, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay mới với lãi suất giảm 3-5% so với lãi vay thương mại, thời hạn vay 10-15 năm.

Cơ quan trên đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ lãi suất cho hoạt động đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, đến nay có 30 địa phương trên cả nước công bố danh mục 72 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ cho rằng phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương còn hạn chế. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ triển khai thấp so với mục tiêu đề án, dù tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An…

Về kết quả phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết đến nay số dự án nhà ở xã hội đang triển khai trên cả nước là 503 dự án, tăng 4 dự án so với thời điểm 15/3.

Thứ trưởng Xây dựng đề nghị các bộ Công an, Quốc phòng, mỗi bộ hoàn thành 5.000 căn nhà ở xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây 2.000 căn trong năm nay. Bộ Tài chính cũng cần xây dựng phương án phát hành trái phiếu chính phủ để hỗ trợ lãi suất cho phân khúc này.

Thanh Hóa: Thu hồi dự án 250 tỷ đồng xây dựng dở dang

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định thu hồi 28.365,4m2 đất của Công ty Cổ phần Anh Phương Sài Gòn tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa quản lý theo quy định của pháp luật.

Dự án Trung tâm thương mại và tổ chức sự kiện APG – Plaza Cổ Định thi công dở dang và bỏ hoang nhiều năm qua. (Nguồn: Báo Xây dựng)

Dự án Trung tâm thương mại và tổ chức sự kiện APG – Plaza Cổ Định thi công dở dang và bỏ hoang nhiều năm qua. (Nguồn: Báo Xây dựng)

Theo đó, Công ty Cổ phần Anh Phương Sài Gòn vi phạm quy định tại điểm g, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013. Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo Trích lục bản đồ địa chính khu đất số 435/TLBĐ, tỷ lệ 1/1.000, do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (nay là Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường lập ngày 5/8/2019.

Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quyết định này và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về nội dung báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bàn giao đất tại thực địa cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa quản lý theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa và các đơn vị liên quan chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định. Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quyết định thu hồi đất (nếu có), báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa tiếp nhận, quản lý diện tích đất thu hồi được giao; lập kế hoạch đưa đất vào sử dụng, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định. UBND huyện Triệu Sơn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai đối với diện tích đất được thu hồi; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện theo quyết định.

Được biết, ngày 10/7/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 2597/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm thương mại và tổ chức sự kiện APG – Plaza Cổ Định tại xã Tân Ninh (nay thị trấn Nưa) huyện Triệu sơn. Dự án với quy mô diện tích khoảng 29.100m2, tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng.

Khởi động lại dự án Thủy cung Hòn Ngưu

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chấp thuận cho Công ty Cáp treo Vũng Tàu tiếp tục tổ chức thi công hạng mục đê chắn sóng và san lấp mặt bằng thuộc dự án Cụm Dịch vụ Ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu.

Ngày 27/5, thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết tỉnh đã có văn bản số 6056/UBND-VP chấp thuận cho Công ty Cổ phần Cáp Treo Vũng Tàu tiếp tục triển khai thi công hạng mục đê chắn sóng và san lấp mặt bằng thuộc Dự án Cụm Dịch vụ Ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu ở bãi Trước, thành phố Vũng Tàu.

Sau khi xem xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn Số 1943/SXD-PTĐT&HTKT ngày 17/4/2024, tỉnh chấp thuận cho Công ty Cổ phần Cáp treo Vũng Tàu tiếp tục tổ chức thi công hạng mục đê chắn sóng và san lấp mặt bằng thuộc dự án Cụm Dịch vụ Ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu theo thiết kế được thẩm định và Giấy phép Xây dựng Số 49/GPXD ngày 8/8/2019 do Sở Xây dựng cấp.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu, chủ đầu tư phải có thông báo thời gian thi công, kèm phương án, biện pháp thi công gửi đến các cơ quan liên quan để nắm bắt, theo dõi.

Các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu kiểm tra việc thi công của chủ đầu tư bảo đảm đúng quy định pháp luật về xây dựng, đầu tư, bảo vệ môi trường, an toàn thi công và nội dung liên quan theo hồ sơ thiết kế được thẩm định, giấy phép xây dựng được cấp.

Tháng 10/2019, sau khi chủ đầu tư dự án tiến hành đổ đá san lấp khu vực Hòn Ngưu ở bãi Trước để xây dựng Thủy cung Hòn Ngưu đã có nhiều dư luận trái chiều về hạng mục này nên Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu tạm dừng để rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án, đặc biệt là các tác động về môi trường, cảnh quan.

(tổng hợp)

H.A

Báo mới

Để lại một bình luận

Bài viết liên quan