TP.Tân Uyên được thành lập tháng 4.2023, tiền thân của thành phố này là một bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống và hiện đang vươn mình trở thành một trung tâm công nghiệp, đô thị phía đông của tỉnh Bình Dương.
Theo lịch sử Đảng bộ Tân Uyên (Bình Dương) năm 1976 tỉnh Sông Bé được thành lập, H.Tân Uyên thời điểm này có tên là H.Tân Châu. Địa danh này được hình thành từ việc sáp nhập các huyện Tân Uyên, Châu Thành và Phú Giáo. Đến năm 1977, H.Tân Châu lại đổi thành tên Tân Uyên như ngày nay.

Thời điểm thành lập (năm 1976), H.Tân Châu có 19 xã, gồm: Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Thạnh Phước, Bạch Đằng, Bình Mỹ, Tân Bình, Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp, Khánh Bình, Lạc An, Thường Tân, Uyên Hưng, Phước Hòa, Tân Mỹ và các xã kinh tế mới là Hội Nghĩa, Tân Hưng, Tân Lập, Tân Phú.

Đến năm 1999, H.Tân Uyên tách xã Phước Hòa, Tân Hưng, Tân Phú… để thành lập H.Phú Giáo. Đến năm 2012, H.Tân Uyên có đến 22 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 3 thị trấn và 19 xã). Đến ngày 29.12.2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136, chia tách thành TX.Tân Uyên (gồm 6 phường và 6 xã có 19.249,20 ha diện tích tự nhiên và 190.564 người) và H.Bắc Tân Uyên (gồm TT.Tân Bình và TT.Tân Thành và xã Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Hiếu Liêm, Tân Định, Bình Mỹ, Tân Lập, Đất Cuốc).

Đến ngày 13.2.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 725, thành lập TP.Tân Uyên. trên cơ sở toàn bộ 191,76 km² diện tích tự nhiên và 466.053 người của TX.Tân Uyên.
Theo dự thảo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã mới nhất (tháng 3.2025) của Bình Dương, TP.Tân Uyên sáp nhập 10 phường và 2 xã thành 4 phường. Cụ thể: Vĩnh Tân và Phú Chánh thành 1 phường (tên dự kiến P.Vĩnh Tân); Uyên Hưng và Hội Nghĩa thành 1 phường (tên dự kiến: P.Tân Uyên); xã Bạch Đằng và P.Tân Hiệp, Khánh Bình thành 1 phường (tên dự kiến P.Tân Hiệp); xã Thạnh Hội và P.Thái Hòa, Thạnh Phước, Tân Phước Khánh và Tân Vĩnh Hiệp thành 1 phường (tên dự kiến P.Tân Khánh).
Sáp nhập tạo động lực phát triển cho trung tâm công nghiệp đô thị phía đông Bình Dương
TP.Tân Uyên giáp với tỉnh Đồng Nai và TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một, H.Bắc Tân Uyên (Bình Dương); có diện tích 191,76 km2, quy mô dân số 466.053 (số liệu năm 2023).

Với lợi thế về vị trí địa lý (giáp sông Đồng Nai), TP.Tân Uyên có cảng Thạnh Phước là cảng sông đầu tiên ở Bình Dương và hệ thống giao thông đường bộ giúp việc giao thông vận tải hàng hóa, logistics vô cùng thuận lợi trên địa bàn.

TP.Tân Uyên có các khu công nghiệp (KCN) lớn như: KCN Nam Tân Uyên (thành lập 2005, quy mô 331,97 ha); KCN Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2 năm 2010, quy mô 288,52 ha); KCN Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 3 năm 2024, quy mô 345,86 ha); KCN VSIP 2A mở rộng (thành lập năm 2008, quy mô 2.045 ha); KCN VSIP 3 (thành lập 2022, quy mô 1.000 ha).

Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của TP.Tân Uyên đạt 42.570 tỉ đồng. Công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế (tương ứng tỷ lệ 55,68%), thu ngân sách đạt 5.692 tỉ đồng…
Trong năm 2025, TP.Tân Uyên dự kiến tăng giá trị thương mại dịch vụ, tỷ trọng từ 43,43% lên 45,22% trong cơ cấu nền kinh tế của địa phương.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cac-huyen-thanh-pho-truc-thuoc-binh-duong-tptan-uyen-nhung-lan-sap-nhap-chia-tach-185250329084839323.htm