Nhiều nhà băng trong top tăng trưởng tín dụng cao nhất thị trường đều ghi nhận dư nợ “cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản” là chủ lực.
Tới cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế tăng chưa tới 7%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 11,5%. “Bài toán” tín dụng trở thành vấn đề khó với ngành ngân hàng khi đối mặt đồng thời nhiều thách thức, từ khả năng hấp thụ vốn yếu của doanh nghiệp, sức cầu kém của nền kinh tế, cho tới áp lực nợ xấu tăng cao khiến việc cho vay thận trọng hơn.
Tuy nhiên, trong bức tranh chung ảm đạm, vẫn có những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng đột biến. Trong số 27 ngân hàng đang giao dịch và niêm yết trên sàn chứng khoán, có ba nhà băng tăng trưởng tín dụng đến hết quý III trên 15%, 12 ngân hàng có mức tăng từ 10% trở lên.
VPBank, ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 9 tháng đầu năm nay, dành phần lớn “quota” cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản. Dư nợ cho lĩnh vực này tăng hơn 50% trong 9 tháng đầu năm nay, thêm hơn 27.000 tỷ đồng, là một trong hai lĩnh vực có mức tăng dư nợ cao nhất. Mảng còn lại là tín dụng hộ kinh doanh với mức tăng quy mô cho vay hơn 31%.
Đến cuối quý III, quy mô dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ VPBank là hơn 454.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với đầu năm. Trong đó, tỷ trọng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm hơn 17,5%, đứng thứ ba trong các lĩnh vực kinh doanh, sau tín dụng hộ kinh doanh và cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất.
Dư nợ cho cá nhân vay mua nhà ở tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng tỷ trọng giảm từ 22,93% xuống 19,48%.
Với Techcombank – nhà băng trong nhóm tư nhân top đầu – cũng ghi nhận diễn biến tương tự.
Theo báo cáo tài chính ngân hàng mẹ, dư nợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản của Techcombank tăng hơn 50.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, là lĩnh vực tăng cao nhất và chiếm phần lớn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Đến cuối quý III, tỷ trọng mảng này chiếm 34,63% dư nợ cho vay khách hàng, so với mức 26,44% vào đầu năm.
Ngược lại, cho vay cá nhân của Techcombank giảm gần 20.000 tỷ đồng, với tỷ trọng từ mức 52,86% vào đầu năm giảm xuống còn 42,6%.
Trong top 5 ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, ngoài VPBank và TCB, thì MBB, MSB và HDBank là những ngân hàng còn lại. Đến cuối quý III, tín dụng của ngân hàng mẹ MSB tăng 18% so với đầu năm, MB là 16% và HDBank là 12%.
Trong đó, tăng trưởng của HDBank có phần tương đồng với hai nhà băng kể trên. Đến cuối quý III, quy mô cho vay kinh doanh bất động sản của ngân hàng tăng gần 15.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ trọng mảng này trên tổng dư nợ cho vay tới cuối quý III ở mức 12,89%, so với 8,49% ở đầu năm. Dư nợ cho hoạt động xây dựng cũng tăng thêm hơn 5.000 tỷ đồng.
So với VPBank hay Techcombank, mức độ tăng tín dụng kinh doanh bất động sản của MB và MSB thấp hơn. Tỷ trọng mảng này trên tổng dư nợ cho vay của MB tăng từ 4,91% vào đầu năm lên 6,81% tính tới cuối quý III, với quy mô cho vay tăng hơn 13.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mảng có mức tăng mạnh nhất của MB là hoạt động bán buôn – bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy; tín dụng hộ kinh doanh và tín dụng cho công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỷ trọng ba lĩnh vực này lần lượt là 28,38%, 26,14% và 16,73%.
Với MSB, mức tăng trải đều ra nhiều lĩnh vực. Trong đó, xét về quy mô, tín dụng tập trung cho thương mại hàng công nghiệp nhẹ, kinh doanh vật liệu xây dựng, cho vay cá nhân và kinh doanh bất động sản.
Ở các nhà băng tầm trung ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao, dư nợ kinh doanh bất động sản cũng đóng vai trò chính vào mức tăng trưởng cho vay 9 tháng đầu năm.
Như SHB, dư nợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản đến cuối quý III là hơn 66.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với đầu năm. Tỷ trọng mảng này vươn lên đứng thứ hai với 16,38%, chỉ sau cho vay bán buôn – bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy. Tại TPBank, kinh doanh bất động sản và xây dựng giúp nhà băng này cho vay thêm hơn 7.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Lý giải xu hướng này, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng nhằm thích ứng bối cảnh thị trường. Theo ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng này muốn đẩy mạnh mảng bán lẻ và không muốn mở rộng thêm danh mục cho vay với khách hàng doanh nghiệp, nhưng bối cảnh thị trường lúc này “không phù hợp”.
Môi trường lãi suất cao cản trở nhu cầu vay của nhóm bán lẻ, tài chính tiêu dùng cũng rủi ro. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nói rằng chi phí vay lúc này quá cao, và thậm chí ngay cả khi lãi suất hạ vẫn chưa đủ hấp dẫn. Trong môi trường như vậy, theo CEO Techcombank, các công ty và tập đoàn lớn có sức chống chịu tốt hơn. Nguồn tiền từ nhóm này đa dạng, đến từ các cấu phần khác nhau của nền kinh tế, giúp khả năng cân bằng của họ tốt hơn.
“Chúng tôi không dừng mở rộng mảng bán lẻ, nhưng nếu phải tìm kiếm nơi rót tiền lúc này, đó nên là các doanh nghiệp lớn”, CEO Techcombank cho biết.
Ngoài ra, theo số liệu cho vay doanh nghiệp của Techcombank, phần nhiều là các khoản vay ngắn hạn, điều này cho phép ngân hàng chuyển đổi nhanh hơn. “Chiến lược tập trung bán lẻ là không đổi, nhưng ở giai đoạn này doanh nghiệp lớn là lựa chọn ít rủi ro hơn. Khi thị trường thay đổi, Techcombank sẽ dịch chuyển như mục tiêu tôi đã nói. Điều này chỉ là vấn đề thời gian, không phải vấn đề chiến lược”, ông Jens Lottner đánh giá.
Với nhóm dẫn đầu, cả ba ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV và VietinBank đều ghi nhận quy mô cho vay khách hàng hơn 1 triệu tỷ đồng tính tới cuối quý III. Tuy nhiên các nhà băng này không bóc tách chi tiết dư nợ với từng lĩnh vực kinh tế.
Nguồn: https://vnexpress.net