Ngay khi mở đầu phiên giao dịch hôm nay 20-2, trừ sàn UPCoM, chỉ số chứng khoán của sàn TP.HCM và sàn Hà Nội đều lập tức được bao phủ với sắc xanh tăng trưởng, càng về cuối phiên mức tăng càng cao.
Hàng loạt cổ phiếu bất động sản bật tăng trần
Trong đó dòng tiền của nhà đầu tư được tập trung đổ vào mua cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính, bất động sản, hóa chất, tài nguyên, ngân hàng, dầu khí, viễn thông, bán lẻ, du lịch – giải trí, thực phẩm – đồ uống… Trái ngược, cổ phiếu ngành công nghệ và ngành y tế bị bán mạnh.
Nhìn vào diễn biến giao dịch, có thể thấy VHM (Vinhomes), BID (BIDV) và VCB (Vietcombank) là ba cổ phiếu top đầu, có công lớn kéo chỉ số chứng khoán của sàn TP.HCM (VN-Index) tăng mạnh. Song song đó, thị trường còn nhận được lực đẩy của nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn khác như VPB (VPBank), MSN (Masan), HPG (Hòa Phát), CTG (VietinBank), MBB (MBBank), Gas (PetroVietnam Gas)…
Đáng chú ý, phiên hôm nay còn chứng kiến hàng loạt cổ phiếu bất động sản bật tăng trần như NVL (Novaland), DXG (Đất Xanh), ITC (Đầu tư và Kinh doanh nhà), HPX (Đầu tư Hải Phát), DIG (Đầu tư Phát triển Xây dựng), SCR (Địa ốc Sài Gòn Thương Tín)…
Ở chiều đối lập, thị trường bị kìm hãm phần nào khi các cổ phiếu BCM (Becamex), DHG (Dược Hậu Giang), KDC (Tập đoàn Kido), TRA (Traphaco), EIB (Eximbank), SVC (Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn)… bị bán ra mạnh, rớt giá.
Khép lại phiên giao dịch, chỉ số VN-Index chính thức tăng 27,38 điểm (+2,58%), hồi phục về mốc 1.086,69 điểm. Trong khi đó cả sàn HNX cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 5,88 điểm (+2,8%) lên 215,83 điểm. Chỉ riêng sàn UPCoM bị giảm 0,11 điểm (-0,14%) lùi về vùng 78,83 điểm.
Tổng giá trị mua bán cổ phiếu trong ngày đạt hơn 13.660 tỉ đồng, tăng hơn 36% so với mức trung bình của tuần trước, song vẫn thấp hơn 19% so với mức bình quân của cả năm trước.
Phiên hôm nay khối ngoại bán ròng hơn 88 tỉ đồng, trở thành phiên thứ ba liên tiếp bán ròng với tổng giá trị xấp xỉ 160 tỉ đồng.
Dự báo thị trường có thể duy trì đà tăng nhẹ
Ông Đinh Quang Hinh – trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích (Chứng khoán VNDirect) – cho biết, gần đây thị trường đón nhận một số thông tin hỗ trợ như việc một số ngân hàng thương mại chủ động hạ lãi suất huy động và cho vay, nghị định 65 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được xem xét thông qua.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Điều này giúp cổ phiếu ngành bất động sản có xu hướng phục hồi.
Dù vậy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn yếu, thể hiện qua việc thanh khoản thị trường ở mức thấp.
Thị trường sẽ gặp thử thách trong tuần này, khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.065-1.080 điểm. Nếu không vượt qua được kháng cự trên với thanh khoản cải thiện, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trở lại và kiểm định vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm một lần nữa trước khi xác định xu hướng rõ ràng hơn.
Do đó, nhà đầu tư cân nhắc chủ động hạ tỉ trọng cổ phiếu khi VN-Index/tiệm cận vùng kháng cự 1.065-1.080 điểm và chờ kiểm định lại vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị danh mục, hạn chế tối đa sử dụng margin ở thời điểm hiện tại để phòng ngừa rủi ro.
Dự báo tuần này, Chứng khoán MB (MBS) cho biết khả năng chỉ số VN-Index vẫn duy trì trạng thái dao động trong vùng 1.040-1.075 điểm.
Chứng khoán Yuanta nhận định, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy và dòng tiền vẫn ở mức thấp, nên dự báo thị trường có thể duy trì đà tăng nhẹ trong tuần này, nhưng chưa thể bước vào giai đoạn tăng mạnh.
Ngoài ra, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu và hạn chế mua đuổi trong các nhịp tăng mạnh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/co-phieu-bat-dong-san-bat-tang-tran-20230220145652414.htm