Giá dầu thô thế giới bất ngờ lao dốc sau các dữ liệu mới nhất về nền kinh tế Mỹ. Ảnh: Bloomberg.
Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu bất ngờ giảm mạnh vào cuối tuần. Ngày 17/2, giá mặt hàng này đã lao dốc 4% xuống quanh ngưỡng 82 USD/ounce rồi bật tăng phần nào lên 83,1 USD/thùng, nhưng vẫn giảm đáng kể so với mức gần 87 USD/thùng vào ngày 14/2.
“Chúng ta đang chứng kiến giá dầu tiếp tục dao động mạnh”, ông Craig Erlam – chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Anh) – nhận định với Zing. Theo ông, giá dầu lao dốc do những lo ngại kéo dài về một cuộc suy thoái đang rình rập nền kinh tế toàn cầu.
Các dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy lạm phát vẫn nóng hơn dự kiến. Điều này có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh tay hơn những gì các thị trường đang định giá.
Động thái tiếp theo của Fed
Việc Fed vẫn giữ vững lập trường diều hâu, kéo theo sự gia tăng của đồng USD, có thể đẩy Mỹ và nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm nay.
Một cuộc suy thoái sẽ khiến các hoạt động kinh tế trên toàn cầu lao dốc, từ đó kéo tụt nhu cầu dầu và đè nặng lên giá mặt hàng này.
Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 16/2, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 của Mỹ đã tăng 0,7% so với tháng 12/2022 và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2022. Trước đó, các nhà kinh tế được Refinitiv khảo sát dự đoán PPI tháng 1 tăng 0,4% so với tháng trước đó và 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu cho thấy PPI tháng 1 tăng cao hơn dự kiến do giá năng lượng đi lên. Đây cũng là một trong những thước đo lạm phát được theo dõi sát sao.
Cùng với các báo cáo trước đó về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thị trường việc làm và niềm tin của người tiêu dùng, báo cáo PPI cho thấy Fed còn nhiều việc phải làm để đưa lạm phát về mức mục tiêu.
“Có thêm một báo cáo cho thấy điều ngược lại với những gì Fed đang kỳ vọng, dù đó là báo cáo CPI hay việc làm. Dường như các dữ liệu đã được củng cố vào đầu năm”, CNN dẫn lời ông Michael Pugliese – nhà kinh tế cấp cao của Wells Fargo – bình luận.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 8 lần kể từ tháng 3/2022. Năm ngoái, Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi tăng tiếp 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12, trước khi giảm tốc độ nâng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp đầu tiên của năm nay.
Cung tăng lên
Các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed vào năm ngoái, cùng với việc Trung Quốc theo đuổi chiến lược Zero-Covid, đã khiến giá dầu thế giới giảm mạnh sau khi tăng vọt do Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine và những đòn trừng phạt từ phía phương Tây vào quốc gia này.
Trong khi đó, cung dầu thô tại Mỹ cũng đang đi lên. Báo cáo của EIA (Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ) cho thấy dự trữ dầu thô của nước này bất ngờ tăng 16,283 triệu thùng lên 842,973 triệu thùng vào tuần trước.
Giá dầu thô cũng chịu áp lực sau khi chính phủ Mỹ công bố kế hoạch xả 26 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược.
Dù vậy, giá dầu vẫn được dự báo tăng cao trong năm nay. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây dự báo Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu, sau khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.
Cùng với việc OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) hạn chế sản xuất, tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra vào nửa cuối năm nay.
“Nguồn cung từ OPEC+ dự kiến thu hẹp cùng với việc Nga chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt”, IEA dự báo.
“Nguồn cung dầu thế giới có vẻ vượt nhu cầu trong nửa đầu năm 2023, nhưng cán cân có thể nhanh chóng đảo chiều khi nhu cầu phục hồi và việc thiếu hụt năng lượng từ Nga”, cơ quan này nói thêm.
Theo: https://baomoi.com/gia-dau-tho-the-gioi-bat-ngo-giam-manh/c/45082996.epi