Thành phố được lập trên cơ sở thị xã Tân Uyên với 10 phường, hai xã, tổng diện tích gần 192 km2 và 466.000 người.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thị xã Tân Uyên là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa phía đông nam của tỉnh Bình Dương. Bộ trưởng Xây dựng đã công nhận thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đạt tiêu chuẩn của đô thị loại 3 vào năm 2018.
Sau khi thành lập TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có 4 thành phố gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên; một thị xã là Bến Cát và 4 huyện. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 84,32%, dân số 2,7 triệu.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nói đề án nâng Tân Uyên lên thành phố đã được tỉnh chuẩn bị nhiều năm. Từ hơn 10 năm qua, Tân Uyên phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm. Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90% cơ cấu nền kinh tế, thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng.
Thị xã Tân Uyên không còn người nghèo theo tiêu chí của Trung ương, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp hơn 95%. Địa bàn có 3 cụm công nghiệp và 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động. “Tân Uyên được nâng lên thành thành phố sẽ tạo điều kiện phát triển cho người dân, đóng góp chung cho tỉnh, cho vùng”, ông Lợi nói.
Bình Dương và Quảng Ninh hiện là hai tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất. Các thành phố của tỉnh Quảng Ninh gồm Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí.
Cũng trong chiều 13/2, Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 9 tỉnh khác.
Trong đó, tỉnh Bắc Ninh có huyện Thuận Thành và huyện Quế Võ lên thị xã. An Giang được thành lập thị xã Tịnh Biên trên cơ sở huyện Tịnh Biên; xã Đa Phước thuộc huyện An Phú và xã Hội An thuộc huyện Chợ Mới được đưa lên thị trấn.
Nhiều xã của các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đăk Lăk cũng được phép lên phường hoặc thị trấn.
Riêng tỉnh Trà Vinh, 3,13 km2 diện tích tự nhiên và 490 người của xã Long Khánh (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của ấp Phước Hội) về ấp Mé Láng thuộc xã Ngũ Lạc quản lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc thành lập và điều chỉnh đơn vị hành chính đô thị tại 10 tỉnh nêu trên đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính nhà nước, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.
Tuy nhiên, ông đề nghị từng đơn vị hành chính phải xác định rõ tỷ lệ diện tích đất trồng lúa, đất chuyển đổi sang mục đích khác để phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất, tránh lãng phí; đồng thời kiểm soát tốt tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất ở đơn vị hành chính đô thị mới được thành lập.
Nghị quyết về việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại 10 tỉnh nói trên có hiệu lực từ 10/4. Riêng nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của tỉnh Trà Vinh có hiệu lực từ 1/3.