Nghị quyết thành lập thành phố Tân Uyên, thuộc tỉnh Bình Dương vừa thông qua là động lực để Tân Uyên tiến lên đô thị loại 2 vào năm 2025, trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa phía đông nam của tỉnh Bình Dương.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết số: 725/NQ-UBTVQH15 thành lập thành phố Tân Uyên, thuộc tỉnh Bình Dương, chính quyền Tân Uyên đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị, khai thác nguồn lực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao. Đây là địa bàn phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm, trong đó ngành công nghiệp dẫn đầu. Đảng bộ, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, nghị quyết của tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2022, Tân Uyên chào đón thêm 287 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 989 tỷ đồng, 10 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 54,43 triệu USD. Hiện nay, Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký là 32.560,507 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 5.297,55 triệu USD. Cơ cấu kinh tế công nghiệp – thương mại, dịch vụ – nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% – dịch vụ 34,6% – nông nghiệp 1,23%. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 32.996 tỷ đồng, tăng 12,08% so với cùng kỳ năm 2021.
Tân Uyên đang có 2 dự án khu công nghiệp VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước. Đó là khu công nghiệp VSIP II có quy mô 2.045ha và Khu công nghiệp VSIP III quy mô hơn 1.000ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng. Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã chính thức động thổ dự án xây dựng nhà máy tại đây với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Đan Mạch vào Việt Nam từ trước tới nay.
Thương mại – dịch vụ tiếp tục phát triển sôi động, giá trị ước đạt 17.795 tỷ đồng, tăng 23,15% so với cùng kỳ năm 2021. Trung tâm thương mại Biconsi Uyên Hưng đã đi vào hoạt động, phục vụ mức sống ngày càng cao của Nhân dân. Các dự án khoa học – công nghệ, nông nghiệp kỹ thuật cao được duy trì hiệu quả. Đề án Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025 gắn với xây dựng thí điểm Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng bước đầu đạt kết quả tích cực, làm đổi thay dáng hình nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Những năm qua, Tân Uyên tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị nhanh chóng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng hoàn chỉnh theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Thành phố hiện có 55 khu dân cư, trong đó có 25 khu hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ 80 – 100%. Tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố khu vực nội thị chiếm 100%, đạt diện tích sàn bình quân là 26,55m2/người. Hệ thống các công trình công cộng được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại. Hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết tới các khu vực trong và ngoài tỉnh bao gồm giao thông thủy, bộ, hệ thống bến cảng, nhà ga, kho bãi.
Bên cạnh đó, các dự án đường kết nối vùng như vành đai 3, vành đai 4, cao tốc thành phố Hồ chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đi qua địa bàn Tân Uyên mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho đô thị Tân Uyên. Mật độ đường chính trong khu vực nội thị đạt 7,5km/km2.
Ngoài ra, lĩnh vực văn hoá – xã hội luôn được quan tâm đầu tư đúng mức. Công tác đền ơn đáp nghĩa; chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm chu đáo. Hệ thống thông tin cơ sở đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Các hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức sôi nổi, tạo sân chơi lành mạnh và nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.
Cải cách hành chính được thực hiện hiệu quả. Tân Uyên đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, qua khảo sát, tỷ lệ người dân hài lòng khi giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%. Chuyển đổi số bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan, đặt nền móng xây dựng đô thị thông minh. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được đẩy mạnh. Tân Uyên hàng năm đều hoàn thành công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu được giao. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố trong sạch, vững mạnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nâng cao.
Giai đoạn 2021 – 2025, Tân Uyên xác định quan điểm phát triển là khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật – xã hội theo hướng phát triển công nghiệp – dịch vụ – đô thị – nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ, tạo nền tảng để Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025. Mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thành phố Tân Uyên trở thành một trung tâm lớn phía Nam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hoá – du lịch; đô thị mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương, thu hút người dân từ thành phố Hồ Chí Minh đến sinh sống và làm việc. Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và đô thị Bình Dương cũng như thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hòa sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía Nam đất nước; là đầu mối giao thông, quan trọng của tỉnh và của vùng.
Định hướng trong thời gian tới, về kinh tế, thành phố Tân Uyên sẽ phát triển thương mại, dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế chủ đạo; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, phát triển mạnh dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tạo bước đột phá, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn kết với tiến trình đô thị hóa theo hướng phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; phát triển xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội trở thành vùng sản xuất nông nghiệp chính của thành phố Tân Uyên theo mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị.
Thành phố Tân Uyên sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, phát triển giao thông đường thuỷ, hệ thống cảng bến; quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải hành khách công cộng hợp lý, tiên tiến, hiện đại; đầu tư xây dựng lưới điện, cải tạo đảm bảo nguồn điện cung cấp ổn định, an toàn; hoàn chỉnh hạ tầng thông tin liên lạc, ngầm hoá các tuyến cáp treo hiện hữu, cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông đa dạng tiến tới dịch vụ truyền thông cao; quan tâm đầu tư hệ thống cấp nước, thoát nước thải và vệ sinh môi trường.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, đẩy mạnh xã hội hoá trong các lĩnh vực văn hoá – xã hội; đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hóa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, thành phố tiếp tục củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn