Thị trường cần chú ý 5 dấu hiệu quan trọng của nền kinh tế số 1 thế giới, dự kiến mang ‘tin vui’ cho cả nhà đầu tư và người dân trong năm 2024

Bởi quangcaogiaodich

Rate this post

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để lạc quan vào nền kinh tế số 1 thế giới trong năm 2024.

Ảnh: RICHARD DREW

Nhiều người lo ngại kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2023. Tuy nhiên, quốc gia này lại kiên cường và có khả năng sẽ “hạ cánh mềm” – vốn được cho là gần như không thể xảy ra.

Lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 3/2024.

Justin Wolfers, Giáo sư tại Đại học Michigan nhận định nền kinh tế Mỹ không chỉ tránh được suy thoái, mà còn vượt qua hàng loạt biến động như tác động của xung đột Nga – Ukraine, cú sốc giá dầu,…và hàng loạt vấn đề khác.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, theo CNN. Song, các chuyên gia cho rằng vẫn có nhiều lý do để lạc quan vào nền kinh tế Mỹ trong năm 2024.

Lạm phát hạ nhiệt

Một số người từng dự đoán lạm phát Mỹ sẽ hạ nhiệt sau khi đạt mức đỉnh trong 4 thập kỷ vào tháng 6 năm 2022. Tuy nhiên, ít người có thể lường trước nó có thể diễn ra nhanh như hiện tại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 chỉ tăng 3,1%, mức giảm mạnh so với 9,1% hồi tháng 6 năm 2022.

Nhà kinh tế học Ian Shepherdson gần đây đã viết trong một báo cáo rằng lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, nói với CNN rằng ông kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại gần mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang vào cuối năm 2024.

Theo CNN, sau khi tăng vọt trên 5 USD một gallon vào năm 2022, giá xăng đã giảm đáng kể vào năm 2023. GasBuddy dự đoán giá xăng trung bình hàng năm ở Mỹ sẽ giảm trở lại vào năm 2024, giúp người tiêu dùng chi tiêu ít hơn khoảng 32 tỷ USD cho nhiên liệu so với năm 2023.

Tín hiệu cắt giảm lãi suất

Lạm phát hạ nhiệt giúp Fed tạm dừng nâng lãi suất để tránh nền kinh tế chệch hướng và khiến các nhà đầu tư lo lắng. Trong cuộc họp chính sách mới nhất, các quan chức Fed còn cân nhắc tới khoảng 3 lần giảm lãi suất vào năm 2024.

Zandi cho biết ông đang cân nhắc về việc Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất bốn lần vào năm 2024 và có thể bắt đầu vào tháng 5. Goldman Sachs cũng đang đặt cược Fed có thể bắt đầu thực hiện cắt giảm lãi suất vào tháng 3. Việc cắt giảm lãi suất này sẽ kéo nhiều lãi suất khác xuống theo, từ vay mua ô tô, mua nhà đến lãi thẻ tín dụng.

Chứng khoán bùng nổ

Lạm phát hạ nhiệt, nỗi lo suy thoái “mờ dần”, cùng kỳ vọng giảm lãi suất đã thúc đẩy chứng khoán Mỹ tăng tốc. S&P 500 tăng điểm trong 9 tuần liên tiếp – chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2004. Nasdaq Composite cũng tăng vọt 43%.

Song, không phải lúc nào thị trường chứng khoán cũng phản ánh thực tế nền kinh tế. Tuy nhiên, trong trường hợp này, sự phục hồi của thị trường chứng khoán cho thấy niềm tin lạc quan vào kinh tế Mỹ, lạm phát và khả năng hạ cánh mềm. Những điểm này đều có lợi cho cả người dân và nhà đầu tư.

Thị trường việc làm mạnh mẽ

Bất chấp việc Fed tăng lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện vẫn ở mức thấp nhất trong khoảng 50 năm qua – ở mức 3,7%. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng ở mức thấp lịch sử, chỉ khoảng 218.000. Đây là dấu hiệu cho thấy nhiều doanh nghiệp lưỡng lự trước việc sa thải nhân sự.

Nếu xu hướng này kéo dài, nó sẽ hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng – động lực chính của nền kinh tế Mỹ. “Miễn là tỷ lệ thất nghiệp còn ở mức thấp kỷ lục, nền kinh tế vẫn sẽ ổn”, nhà kinh tế Mark Zandi nhận định.

Thu nhập tăng

Trong hầu hết quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, giá cả thường tăng nhanh hơn thu nhập, khiến thu nhập thực của người Mỹ co lại. Tuy nhiên, xu hướng này gần đây đã thay đổi.

Cả Zandi và Wolfers đều bày tỏ sự lạc quan rằng tăng trưởng tiền lương thực tế sẽ ngày càng được cải thiện trong năm nay. Chuyên gia Zandi nhận định: “Mọi người sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn về mọi thứ”.

Tham khảo CNN

Nguồn: https://cafef.vn

Để lại một bình luận

Bài viết liên quan