Tín hiệu nào giúp thị trường bất động sản hồi sinh?

Bởi quangcaogiaodich

Rate this post

Nghị quyết 33, Nghị định 08, động thái nới tín dụng từ ngân hàng… là những yếu tố được các chuyên gia đánh giá là bước đệm giúp thị trường bất động sản phục hồi.

Báo cáo của CBRE Việt Nam cho thấy, thị trường bất động sản đã trải qua một năm đầy sóng gió. Tại TP.HCM, quý IV/2022, chỉ có 1.312 căn hộ mới được chào bán, số căn hộ chào bán mới theo quý thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây.

Tổng số căn hộ được chào bán ghi nhận trong năm 2022 đạt 18.440 căn, tương đương với năm 2020 nhưng chỉ bằng 70% số lượng được chào bán trước dịch trong năm 2019. Ngoài vấn đề cấp phép cho các dự án mới gặp nhiều khó khăn trong những năm trở lại đây, nhiều chủ đầu tư đã chủ động hoãn kế hoạch bán hàng do quan ngại tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của thị trường.

Còn tại Hà Nội, có khoảng 15.100 căn hộ được chào bán, tổng nguồn cung mở bán mới giảm 12,3% so với cùng kỳ 2021. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thị trường ghi nhận sụt giảm nguồn cung mới do tác động của nhiều yếu tố bao gồm COVID-19, thắt chặt tín dụng và các vấn đề cấp phép.

Có thể thấy, sau nhiều năm thị trường BĐS phát triển nóng, Nhà nước, Chính phủ đang nỗ lực cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở, giảm lệch cung cầu trong bối cảnh nguồn cung căn hộ bình dân chiếm chưa đến 2% tổng nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM và Hà Nội trong năm vừa qua. Bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 tháo gỡ khó khăn và giúp thị trường BĐS sản phát triển lành mạnh, bền vững. Đồng thời, Nghị định 08 ra đời cũng góp phần giúp doanh nghiệp BĐS giảm bớt áp lực khi năm nay và năm 2024 lượng lớn trái phiếu đến hạn.

Nói về Nghị quyết 33, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, đây là một nghị quyết có tính chất khích lệ thị trường, có vai trò hỗ trợ, giải quyết vướng mắc giúp thị trường BĐS phát triển ổn định.

Trong đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn thị trường 1,5-2% nhằm tập trung phát triển nhóm nhà ở xã hội. Gói tín dụng này gợi nhớ lại gói 30.000 tỷ đồng ở giai đoạn 2007-2013. Thời điểm đó, gói 30.000 tỷ với mức lãi suất 5-6% giúp thị trường giảm bớt tâm lý nặng nề, kéo thanh khoản và giao dịch trở lại

Bên cạnh đó, Nghị quyết 33 tập trung vào tín dụng BĐS theo hướng hỗ trợ thị trường phát triển. Việc đánh giá hệ số rủi ro tín dụng sẽ không cực đoan như trước, sẽ có mức lãi suất cho vay phù hợp hơn, tránh kiểm soát quá mức, khiến dòng vốn cho bất động sản bị ảnh hưởng. Động thái này sẽ giúp thị trường sẽ có sự khởi sắc cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Đồng thời, Nghị quyết 33 cũng đề cập đến vấn đề tháo gỡ pháp lý cho những dự án vướng mắc nhằm tăng nguồn cung thị trường. Khi nguồn cung được cải thiện sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu người mua nhà, thúc đẩy sự lưu thông lành mạnh của thị trường BĐS.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, Nghị quyết 33 đã cụ thể hoá các giải pháp đối với từng nút thắt, điểm nghẽn của thị trường BĐS từ thể chế, nguồn vốn, nguồn cung và điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhằm thúc đẩy nguồn hàng hợp lý cho thị trường.

“Chính phủ rất sát sao, đánh giá chính xác những khó khăn mà thị trường BĐS đang phải đối mặt, từ đó, chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Các bộ ngành liên quan đều được giao nhiệm vụ cụ thể và được yêu cầu ban hành các nhóm nghị định, để kịp tháo gỡ khó khăn cho thị trường”, ông Đính nói và cho rằng thị trường BĐS sẽ sớm được khơi thông, phục hồi và phát triển trở lại từ những tín hiệu tích cực của Nghị quyết 33.

Trong khi đó, nói về Nghị định 08, TS Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận nghị định này ra đời, giải quyết một số vấn đề lớn như: Cho phép nhà phát hành thêm 1 năm để tiếp tục phát hành trái phiếu riêng lẻ; người mua cũng thêm 1 năm chưa phải tuân thủ quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp; cho phép doanh nghiệp thêm 1 năm nâng cao năng lực; cho phép doanh nghiệp sử dụng tài sản khác để trả nợ; cho phép gia hạn thêm 2 năm đồng nghĩa với việc cho phát hành thêm đợt phát hành trái phiếu mới để đảo nợ với lãi suất vẫn như cũ.

Nghị định cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nhà phát hành khi thấy được Nhà nước, Chính phủ đồng hành và không hình sự hóa. Đây là động thái bước đầu để nhà phát hành, nhà đầu tư dần lấy lại niềm tin khi thị trường lao dốc.

Các chuyên gia đều có chung nhận định, Chính phủ, Quốc Hội đã và đang cố gắng tháo gỡ những khó khăn cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, để thị trường nhanh chóng hồi phục, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế, bởi đột phá về thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh.

Trong thời gian qua, thị trường BĐS và hoạt động của các doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn, nhất là về thủ tục pháp lý, nguồn vốn đầu tư, mất cân đối cung – cầu

Nhằm nhận diện đầy đủ và khách quan về những khó khăn thách thức và rủi ro của thị trường bất động sản, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khơi thông ách tắc cho thị trường, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho thị trường BĐS”. Thời gian diễn ra hội thảo vào thứ 5, ngày 6/4/202, tại Hội trường tầng 2, Bộ KT&ĐT, số 289 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT, đại diện chính quyền một số địa phương, các chuyên gia kinh tế cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thông tin Hội thảo sẽ được tường thuật trực tuyến trên Tạp chí điện tử Nhadautu.vn và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nguồn: https://cafef.vn

Để lại một bình luận

Bài viết liên quan