Với nhiều yếu tố thuận lợi và sự điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD/VND và lãi suất được dự báo sẽ hạ nhiệt trở lại trong phần còn lại của năm. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố bất định cần lưu tâm.
Nền kinh tế thế giới bất ổn
Kinh tế thế giới khởi đầu năm 2023 với rất nhiều sự lạc quan và kỳ vọng đến từ việc Trung Quốc mở cửa sau đại dịch Covid-19 và giá năng lượng hạ nhiệt tại châu Âu. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất tuy vẫn còn suy yếu, nhưng các khảo sát cho thấy hoạt động bán lẻ và tiêu dùng có đà hồi phục xuyên suốt quý I. Tuy nhiên, những biến động trên thị trường tài chính thế giới một lần nữa làm đảo chiều sự lạc quan.
Chỉ vài ngày sau phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trước Hạ viện về thắt chặt chính sách tiền tệ, trong đó, ông nhấn mạnh việc duy trì đà tăng lãi suất để đưa lạm phát về mức mục tiêu, thì sự kiện
Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ và các ngân hàng khu vực của Mỹ gặp khó khăn đã khiến quý đầu năm đi qua với những biến động chưa từng có, kéo theo những lo ngại về suy thoái trên thế giới.
Việc phải cân bằng giữa việc tránh cho kinh tế khỏi hạ cánh cứng và việc hạ nhiệt lạm phát khiến nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tại Mỹ và các quốc gia đã phát triển, lạm phát – đặc biệt là lạm phát lõi – vẫn neo cao, trong khi tỷ lệ thất nghiệp hầu như không tăng đáng kể. Tình trạng này có thể vẫn sẽ tiếp diễn bất chấp nguồn cung được cải thiện.
Tuy nhiên, gần như chắc chắn việc các ngân hàng sẽ trở nên thận trọng hơn trong chính sách tín dụng của mình, nên tốc độ hồi phục kinh tế nói chung sẽ chậm hơn. Do đó, không loại trừ kịch bản Fed sẽ dừng thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, nếu lạm phát không có dấu hiệu hạ nhiệt một cách nhanh chóng, thị trường tài chính được dự báo sẽ có nhiều biến động mạnh hơn trong những tháng tiếp theo của năm 2023.
Những căng thẳng đến từ khủng hoảng ngân hàng Mỹ đã khiến đồng bạc xanh tăng mạnh trong bối cảnh thị trường tìm trú ẩn vào tài sản an toàn. Tuy nhiên, xu hướng này đã đảo ngược vào đầu quý II khi Fed đưa ra các chính sách kịp thời nhằm ngăn chặn rủi ro lây lan, cũng như niềm tin của thị trường sớm được củng cố. Do đó, xu hướng suy yếu của USD tương tự như năm ngoái được dự báo có khả năng lặp lại.
Thị trường Việt Nam liệu có ổn?
Sau khi mở cửa trở lại, Việt Nam đã có một năm 2022 rực rỡ, trở thành một trong những nền kinh tế hồi phục mạnh nhất trong khu vực châu Á, với mức tăng trưởng GDP ước đạt 8,02%. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, những khó khăn đã dần lộ rõ. GDP quý I chỉ tăng 3,32%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, lĩnh vực thương mại đánh dấu sự sụt giảm rõ rệt nhất.
Sau mức tăng trưởng 10% trong năm 2022, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 12% chỉ trong quý I/2023, với sự suy giảm đáng kể ở những nhóm ngành chính như điện tử, da giày, may mặc và đồ gỗ. Với việc nhu cầu sụt giảm mạnh từ 2 trong số 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và châu Âu, thương mại Việt Nam chịu tác động tiêu cực là kết quả hiển nhiên.
Điểm sáng nằm ở lĩnh vực dịch vụ, khi lĩnh vực này tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi rõ ràng nhờ dòng khách du lịch quay trở lại. Các dịch vụ liên quan đến du lịch cũng không ngừng tăng theo, đồng thời cũng hỗ trợ đem tới nguồn thu từ ngoại hối.
Câu chuyện tỷ giá-lãi suất
Về tỷ giá, cặp USD/VND trên thị trường liên ngân hàng chứng kiến nhiều biến động trong giai đoạn nửa cuối năm 2022 và quý I/2023. Sau khi tăng mạnh trong tháng 9, tháng 10 năm ngoái, cặp tỷ giá này đã giảm khá mạnh trước khi ổn định trở lại quanh mức giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là 23.450 vào cuối quý I. Bước sang đầu quý II, tỷ giá USD/VND có dấu hiệu tăng nhẹ cùng với đà tăng của USD trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, với dự báo đồng USD vẫn trong xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, cặp tỷ giá USD/VND có khả năng sẽ hạ nhiệt trở lại trong phần còn lại của năm nay. Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi cho xu hướng giảm giá của cặp tỷ giá có thể kể tới như sự hồi phục của thương mại trong nửa sau của năm; nguồn cung ngoại tệ tiếp tục ổn định đến từ giải ngân FDI, dòng vốn FII vào thị trường chứng khoán cũng như ngoại tệ đến từ kiều hối và dịch vụ du lịch khi nhóm ngành này cho thấy những dấu hiệu hồi phục khá tích cực từ sau đại dịch.
Giá mua ngoại tệ của NHNN sẽ là chỉ dẫn chính cho xu hướng tỷ giá USD/VND và cũng không loại trừ kịch bản NHNN sẽ giảm dần giá mua này nếu các yếu tố hỗ trợ vẫn được duy trì.
Quan sát từ dữ liệu trong quá khứ, chúng tôi nhận thấy, sau những giai đoạn dự trữ ngoại hối bị sụt giảm đáng kể như giai đoạn từ quý II/2008 tới quý I/2011, hay từ quý III/2015 tới quý I/2016, thì tỷ giá thường ổn định một thời gian quanh giá mua vào của NHNN khi NHNN mua ngoại tệ trở lại để tăng dự trữ.
Trong năm 2022, NHNN đã phải bán ra một lượng đáng kể, tương đương khoảng gần 21 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá và chỉ bắt đầu mua ngoại tệ trở lại với khối lượng gần 6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay. Do đó, Nhóm nghiên cứu HSBC dự báo, giá mua ngoại tệ của NHNN sẽ là chỉ dẫn chính cho xu hướng tỷ giá USD/VND và cũng không loại trừ kịch bản NHNN sẽ giảm dần giá mua này nếu các yếu tố hỗ trợ vẫn được duy trì.
Trên thực tế, NHNN đã hạ giá mua vào 50 đồng, từ 23.450 đồng/USD xuống còn 23.400 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên NHNN thay đổi giá chào mua kể từ tháng 12/2022, và cũng có thể là những tín hiệu đầu tiên cho một xu hướng mới của tỷ giá.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và có nhiều kịch bản cho xu hướng chính sách tiếp theo của Fed, chúng tôi cũng bày tỏ quan điểm thận trọng đối với xu hướng nói chung của đồng USD so với các ngoại tệ khác trên thị trường quốc tế và từ đó cũng có thể ảnh hưởng tới diễn biến tỷ giá trong nước trong thời gian sắp tới.
Về lãi suất, trong bối cảnh thị trường còn đang dè dặt dự báo về các bước tăng lãi suất tiếp theo của Fed, thì NHNN đã bất ngờ hạ các mức lãi suất điều hành, lần lượt qua các lần điều chỉnh vào trung tuần tháng 3 và tuần đầu tháng 4.
Nếu như trong năm ngoái, NHNN là một trong những ngân hàng trung ương cuối cùng ở khu vực thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua 2 lần nâng lãi suất điều hành vào tháng 9 và tháng 10/2022, thì năm nay NHNN lại là ngân hàng trung ương đầu tiên ở châu Á chủ động hạ lãi suất điều hành trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương khác vẫn chưa hoàn tất chu kỳ thắt chặt chính sách của mình.
Kết quả này thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nhằm đưa ra những hỗ trợ kịp thời cho nền kinh tế.
Trên thực tế, NHNN đã có ba lần hạ lãi suất điều hành trong năm nay, với lần gần đây nhất hiệu lực vào 25/5/2023 là hạ 0,5%/năm các mức trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng qua đêm.
Có thể thấy, khi có hiệu lực, mức lãi suất điều hành và trần lãi suất sau lần điều chỉnh thứ ba đã tương đương mức giảm hỗ trợ giai đoạn ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Kịch bản cơ sở của chúng tôi là NHNN sẽ tiếp tục giữ trạng thái nới lỏng chính sách nhằm hỗ trợ khôi phục kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các chỉ số kinh tế chính chưa có nhiều dấu hiệu được cải thiện rõ rệt.
Các giải pháp cho tăng trưởng
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay đứng trước nhiều thách thức, có thể kể đến như sự chậm lại của thương mại toàn cầu, các vấn đề địa chính trị ở một vài nước châu Âu vẫn chưa cho thấy dấu hiệu chấm dứt, cùng những khó khăn trong nước đến từ thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
Đứng trước những khó khăn đó, Chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy, tăng cường hỗ trợ chính sách, thông qua cả chính sách tiền tệ như phấn đấu giảm lãi suất, cũng như chính sách tài khóa thông qua đẩy mạnh đầu tư công, công bố các gói tín dụng, cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác.
Mặt khác, các cơ quan điều hành cũng sẽ phải đối mặt với một kịch bản tiêu cực nếu lạm phát đảo ngược xu hướng, với rủi ro đến từ giá năng lượng tiếp tục tăng cao và áp lực giá nhập khẩu cao.
Để có thể điều hành tốt, nhằm đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, điều quan trọng là Chính phủ cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và hài hòa giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Trong vai trò của người điều hành, NHNN nên tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt, tiếp tục tăng cường bổ sung các quy định, hướng dẫn nhằm nhấn mạnh vai trò của hệ thống các tổ chức tín dụng trong việc mở rộng và đa dạng hóa các sản phẩm, giúp cho doanh nghiệp và người dân có thêm các công cụ đầu tư và phòng vệ rủi ro theo các quy định của pháp luật.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn