Khu trung tâm TP HCM, quận 1, tháng 11/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Cùng Australia, Ấn Độ, Hong Kong và Trung Quốc đại lục, Việt Nam là một trong 5 điểm đến đầu tư bất động sản hàng đầu của giới siêu giàu Singapore.
Knight Frank định danh “siêu giàu” là người có tài sản ròng từ 30 triệu USD sau khi trừ tất cả khoản vay. Theo hãng này, một trong những yếu tố tạo nên sự thu hút của bất động sản Việt Nam là giá căn hộ hạng sang phải chăng so với các đô thị khác.
Cụ thể, TP HCM đứng thứ ba về mức giá phải chăng của căn hộ hạng sang, sau Sao Paulo (Brazil) và Cape Town (Nam Phi). Knight Frank tính toán, với một triệu USD có thể mua được đến 162 m2 bất động sản hạng sang tại TP HCM so với 35 m2 tại Singapore.
Ông Alex Crane, Giám đốc điều hành Knight Frank Việt Nam, cho biết có sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài với bất động sản thương mại Việt Nam, phần lớn trong số đó đến từ nguồn vốn tư nhân vào năm 2022.
“Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2023, tuy vậy định giá bất động sản trong nước cũng sẽ chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ khắp châu Á”, ông nói. Lý do là nhà đầu tư tư nhân cũng có thể khai thác, tận dụng cơ hội từ các nền kinh tế đang phát triển khác, hoặc tại những thị trường phát triển nơi có lợi thế hơn Việt Nam về độ an toàn và khả năng sinh lợi.
Singapore vốn là quốc gia đứng thứ hai trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế đến này là 71,85 tỷ USD. Tại TP HCM, Singapore là đứng đầu về tổng vốn đầu tư FDI trong số 117 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 1.677 dự án đã triển khai, lên đến gần 14,02 tỷ USD.
Theo báo cáo của Knight Frank, ở cấp độ toàn cầu, top 5 điểm đến đầu tư bất động sản được giới siêu giàu thế giới ưa chuộng theo thứ tự lần lượt là Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Anh và Hy Lạp.
Năm 2022 là năm có khối lượng đầu tư bất động sản thương mại cao thứ hai từ các nhà đầu tư tư nhân. Trong đó, số người siêu giàu ở châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đầu tư vào bất động sản thương mại đã tăng hơn 30% so với năm trước đó, với tổng giá trị hơn 1,53 tỉ USD.
Đây là mức tăng đáng kể giữa bối cảnh khối lượng đầu tư sụt giảm 21,3% trên toàn khu vực trong cùng năm. Đồng thời, 32% số người siêu giàu ở APAC có ý định tăng cường đầu tư, so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 28%.
Mặc dù nhiều thách thức kinh tế vĩ mô vẫn đang diễn ra trên toàn thế giới, khảo sát nhanh của Knight Frank về giới nhà giàu cho thấy sở hữu bất động sản có xu hướng tăng. 19% số người siêu giàu được khảo sát cho biết có ý định đầu tư trực tiếp vào bất động sản thương mại, trong khi đó 13% sẽ đầu tư gián tiếp.
Nguồn: vnexpress.net