Việt Nam xác lập kỷ lục FDI, 1 cái tên vụt thành ‘quán quân’ của cả nước: Cuộc chuyển mình ‘chưa từng có’

Bởi quangcaogiaodich

Rate this post
Việt Nam xác lập kỷ lục FDI, 1 cái tên vụt thành ‘quán quân’ của cả nước: Cuộc chuyển mình 'chưa từng có'

Theo ông Bjorn Koslowski, trước đây, cái tên này không được nhiều người nước ngoài biết đến, và thường được nhắc tới như “cửa ngõ của Hà Nội”.

Vốn FDI thực hiện cao kỷ lục

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023 .

Bên cạnh đó, tính đến 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng, có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (tăng 66,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD (tăng 43,6% so với cùng kỳ) và 2.539 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỷ USD (tăng 47% so với cùng kỳ).

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, dù vốn đầu tư điều chỉnh giảm trong 9 tháng (37,3% so với cùng kỳ) nhưng xu hướng này đã có sự cải thiện so với các mức giảm: 39,7% trong 8 tháng: 42,5% trong 7 tháng; 57,1% trong 6 tháng; 59,4% trong 5 tháng và 68,6% trong 4 tháng.

Ngoài ra, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Ảnh: Báo điện tử chính phủ

Nhận định về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương…

Đây đều là các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…

Hải Phòng thành ‘quán quân’ FDI

Trong ngày 22/9 vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI với tổng vốn đầu tư lên tới gần 1,4 tỷ USD. Theo Báo điện tử Chính phủ, với 1,4 tỷ USD này, tổng vốn FDI của Hải Phòng từ đầu năm đến nay đã lên khoảng 3 tỷ USD, đưa thành phố trở thành “quán quân” FDI, dẫn đầu cả nước.

Năm 2023 cũng là năm tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, kinh tế Hải Phòng. Trong suốt khoảng thời gian này, Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 28 tỷ USD.

Trong số các dự án FDI đáng chú ý nhất hôm 22/9 là dự án của tập đoàn SK (lớn thứ 2 của Hàn Quốc, chỉ sau Samsung), với tổng vốn 500 triệu USD.

Đại diện lãnh đạo Hải Phòng trao giấy chứng đầu tư cho hàng loạt dự án khác có tầm quan trọng rất lớn đối với Thành phố. Ảnh: Báo điện tử chính phủ

Theo tờ Korea JoongAng Daily, Công ty Ecovance.Co.Ltd – Tập đoàn SK sẽ xây dựng Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao tại Việt Nam.

Dự án này đặt mục tiêu sản xuất vật liệu phân huỷ sinh học PBAT, PBS, PBATS trên diện tích 32.089 m2, lô đất CN5.5G2, khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng I (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải). Tập đoàn SK cho biết, cơ sở này sẽ có công suất sản xuất lên tới 70.000 tấn/năm.

Theo Korea JoongAng Daily, thông qua công ty Ecovance, SK đã và đang phát triển PBAT với độ bền được nâng cao, tương đương nhựa truyền thống. Trong khi đó, nhựa phân hủy sinh học có thể được dùng để sản xuất vật liệu màng đóng gói, cũng như vật liệu không dệt dành cho tã lót, khẩu trang. Hiện tại, SK đang nắm giữ 57,8% cổ phần của Ecovance.

Tờ này cho biết thêm rằng, SK TBMGeostone – liên doanh sản xuất vật liệu phân hủy sinh học với công ty TMB của Nhật Bản – cũng sẽ xây dựng cơ sở sản xuất tại Hải Phòng, với công suất lên tới 36.000 tấn/năm.

Cuộc chuyển mình ‘chưa từng có’

Theo ông Bjorn Koslowski, Phó trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK Vietnam), thành phố Hải Phòng trước đây không được nhiều người nước ngoài biết đến. Trên phạm vi quốc tế, Hải Phòng thường được nhắc tới như “cửa ngõ của Hà Nội”.

Tuy nhiên, là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam với khoảng 2.000 năm lịch sử, Hải Phòng chắc chắn là một đô thị lớn theo đúng nghĩa đen.

Vị trí địa lý có lẽ là lợi thế lớn nhất của Hải Phòng. Những tuyến đường thủy qua sông Lạch Tray, sông Cấm và sông Bạch Đằng kết nối Hải Phòng với các khu vực còn lại của miền Bắc Việt Nam. Trong khi đó, thành phố nằm ở vịnh Bắc Bộ, thuận lợi tiếp cận miền nam Trung Quốc và một số khu vực ở Đông Nam Á.

Có thể nói, Hải Phòng giữ vị trí chiến lược trong vai trò cửa khẩu xuất khẩu cho miền Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc.

Hải Phòng đã có màn chuyển mình ấn tượng để trở thành điểm nóng FDI. Ảnh: SouthEast Asia Globe

Sau chính sách Đổi Mới của Việt Nam năm 1986 thì tới năm 1990, hai vùng kinh tế trọng điểm đầu tiên là “TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu” ở miền Nam và “Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh” ở miền Bắc đã được công bố, đưa thành phố Hải Phòng trở thành mũi nhọn trong tiến trình hiện đại hóa kinh tế của Việt Nam.

Trong một động thái đổi mới vào thời điểm đó, Ủy ban Nhân dân TP. Hải Phòng đã quyết định thành lập Liên doanh với công ty tư nhân Bỉ “Rent-A-Port” vào năm 1997 để phát triển một khu công nghiệp hiện đại. Ngày nay, liên doanh này chính là DEEP C – khu công nghiệp đặt cơ sở để phát triển cộng đồng nhà đầu tư quốc tế tại Hải Phòng.

DEEP C đã thu hút các nhà đầu tư ngay từ đầu vì nó đã (và đang) nằm gần cảng sông Hải Phòng. Đây là vị trí lý tưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo SouthEast Asia Globe, nền tảng tin tức chuyên về khu vực Đông Nam Á, cách tiếp cận của DEEP C đã góp phần lớn vào sự phát triển của Hải Phòng và thúc đẩy gia tăng mạnh mẽ nguồn FDI đổ vào thành phố trong những năm gần đây.

Hiện nay, Hải Phòng đã nổi lên như một cửa ngõ thương mại và thành phố công nghiệp hiện đại. Mục tiêu của DEEP C – tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam – đang thúc đẩy tăng trưởng, đưa cộng đồng truyền thống bước vào một thời đại mới.

Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C. Ảnh: haiphong.gov.vn

Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất về sự thay đổi nhân khẩu học của thành phố là Trường Quốc tế QSI Hải Phòng – thành lập vào năm 2005 với tư cách là một trong những chuỗi trường học trải rộng khắp 31 quốc gia trên toàn cầu – đã tăng gấp 3 lần số lượng học sinh chỉ sau 3 năm. Ông Jonathan Mudd – Giám đốc của trường – gọi đây là sự thay đổi “chưa từng có”.

Hầu hết học sinh là người nước ngoài, do các nhân viên người nước ngoài của DEEP C đăng ký cho con theo học. Có thể thấy rõ sự chuyển mình nhanh chóng của Hải Phòng sau những gì DEEP C mang lại. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục.

Một lợi thế nổi bật nữa của Hải Phòng là hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hệ thống cảng biển nước sâu Lạch Huyện hiện đang được thực hiện tới 8 bến và đang tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các bến tiếp theo.

Cùng với đó là Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường cao tốc, đường bộ kết nối thuận tiện với cả vùng, miền bắc và cả nước, hệ thống giao thông thủy cũng khá thuận lợi…

SouthEast Asia Globe nhận định, tầm nhìn dài hạn và định hướng xuất khẩu đã đưa Hải Phòng trở thành một trong những thành phố phát triển nhanh nhất Việt Nam kể từ năm 2015, xét về GDP. Sự tăng trưởng của thành phố là một phần trong quá trình chuyển đổi miền Bắc thành điểm nóng FDI những năm gần đây.

Với dự án của SK và một số dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong tháng 9- 2023, Hải Phòng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu hút vốn FDI năm 2023. Dự kiến sắp tới, sẽ có thêm hàng loạt các dự án FDI lớn nữa vào thành phố.

Để lại một bình luận

Bài viết liên quan