3/5 thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn nhất cả nước nằm tại khu vực phía Nam.
Thành phố Biên Hòa
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, dân số Biên Hòa đạt khoảng 1,1 triệu người. Hiện, thành phố Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất Việt Nam, có tốc độ gia tăng dân số hàng năm lớn nhất Đồng Nai.
Thành phố Biên Hòa cách trung tâm TP. HCM 30 km, cách TP Vũng Tàu 90 km. Thành phố Biên Hòa hiện là đầu mối giao thông lớn trong vùng kinh tế phía Nam, tập trung đông khu công nghiệp.
Theo UBND tỉnh, dự báo quy mô dân số của TP.Biên Hòa đến năm 2030 khoảng 1,5-1,6 triệu người, do đó quy hoạch đất xây dựng từ 19,5-20 ngàn ha. TP.Biên Hòa có diện tích đất tự nhiên là hơn 26.360ha, các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đều thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của đô thị loại I. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, TP.Biên Hòa có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương để khai thác các tiềm năng, lợi thế.
Thành phố Huế
Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế có dân số đạt khoảng là 652,57 nghìn người, là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn thứ 2 cả nước. Thành phố Huế có mật độ dân số đạt 2.453 người/km². Nằm gần dãy núi Trường Sơn, khu vực thành phố Huế là đồng bằng thuộc vùng hạ lưu sông Hương, có độ cao trung bình khoảng 3 – 4 m so với mực nước biển.
Thành phố Huế nằm ở vị trí trung tâm của đất nước, trên trục Bắc – Nam của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, gần tuyến hành lang Đông – Tây của tuyến đường Xuyên Á, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ với các trung tâm kinh tế đang phát triển…, có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối dễ dàng với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.
Thành phố Thuận An
Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương có dân số đạt khoảng 623,75 nghìn người, đây là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn thứ 3 cả nước. Trong những năm qua, thành phố Thuận An đã tập trung chỉ đạo, huy động hiệu quả nhiều nguồn lực để khai thác tối đa lợi thế về vị trí, tiềm năng.
Đẩy nhanh tốc độ xây dựng đô thị phù hợp với không gian phát triển chung của vùng, tạo nền tảng sớm đưa TP.Thuận An trở thành trung tâm đô thị – dịch vụ, tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị bền vững gắn với hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
TP.Thuận An đặt mục tiêu khai thác tối đa lợi thế về vị trí, tiềm năng, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh hạ tầng, cải tạo chỉnh trang đô thị đạt các tiêu chí đô thị loại I gắn với phát triển ngành dịch vụ.
Thành phố Thanh Hóa
Thành phố Thanh hóa, tỉnh Thanh Hóa có dân số đạt khoảng 610 nghìn người, đây là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn thứ 4 cả nước.
Thành phố Thanh Hóa nằm hai bên bờ sông Mã, có vị trí, cảnh quan sinh thái rất thuận lợi, khí hậu khá ôn hòa. Nằm ở cực Bắc Miền Trung, cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.560km về phía Nam. Thành phố Thanh Hóa cách sân bay Sao Vàng 45 km về phía Tây, cách Khu kinh tế Nghi Sơn 80km về phía Nam, cách thành phố biển Sầm Sơn 16km về phía Đông, có cảng Lễ Môn.
Thành phố Thanh Hóa nằm trong vùng ảnh hưởng của những tác động từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, có hệ thống giao thông thuận lợi như: đường sắt xuyên Việt, các quốc lộ 1A, 45, 47; cảng Lễ Môn và hệ thống sông ngòi dày đặc.
Nhờ đó, thành phố Thanh Hóa đã trở thành trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời ở vào vị thế thuận lợi trong việc giao thương với tất cả các tỉnh trong nước.
Thành phố Tân Uyên
Thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có quy mô dân số 466,053 nghìn người, đây là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn thứ 5 cả nước. Thành phố Tân Uyên giáp các thành phố Dĩ An, Thủ Dầu Một, Thuận An, thị xã Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Với vị trí địa lý đặc biệt, thành phố Tân Uyên là địa bàn quan trọng của tỉnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành như công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Trên địa bàn thành phố có hệ thống giao thông đối ngoại, giúp việc giao thương, vận chuyển hàng hóa luân chuyển đi các tỉnh, thành phía Nam; có cảng Thạnh Phước là cảng sông đầu tiên của thành phố, mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực logistics.
Nguồn: https://cafef.vn