Theo ông Jean-Pierre Archambault, để đánh giá về những nỗ lực vượt bậc trong việc chăm lo đời sống và bảo đảm quyền cho người dân ở Việt Nam, cần nhìn lại những giai đoạn lịch sử đã qua ở Việt Nam.
Ông Jean-Pierre Archambault nói: Chúng ta đều biết, năm 1975, Việt Nam được thống nhất nhưng bị tàn phá nặng nề sau 30 năm chiến tranh. Đất nước ở tình trạng rất nghèo đói, trải qua rất nhiều khó khăn do lệnh cấm vận cho tới năm 1994.
Dù giành chiến thắng lịch sử trước hai cường quốc Pháp và Mỹ, Việt Nam đã phải gánh chịu những mất mát vô cùng lớn. Đất nước bị tàn phá nặng nề và hàng triệu người là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ rải xuống.
Việt Nam đã kiên cường vượt qua mọi thách thức và khó khăn, tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986. Kể từ đó, cuộc sống và quyền lợi của người dân ngày càng tốt hơn.
Ông Jean-Pierre Archambault nhấn mạnh: Các số liệu đã chứng minh những tiến bộ rõ rệt ở Việt Nam. Tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 58% dân số vào năm 1993, xuống chỉ còn 5% vào năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người/năm là 2.300 USD vào năm 2017, so với 400 USD vào năm 2000. Năm 2010, Việt Nam ra khỏi nhóm các quốc gia nghèo để gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình (2.100 USD/người/năm).
Nhà sử học Alain Ruscio: Tôi thấy rõ Việt Nam rất quan tâm, thúc đẩy toàn diện quyền con người. |
Như vậy có thể thấy, Việt Nam đã tiến một bước rất dài và đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới để trở thành một nước giàu, mạnh, dân chủ và hiện đại. Tất cả các lĩnh vực ở Việt Nam có những thành tựu, tiến bộ mới. Các quyền của nhân dân Việt Nam ngày càng được bảo đảm tốt hơn.
Minh chứng cụ thể, có thể thấy trong đại dịch Covid-19 vừa qua, khi Việt Nam thực hiện chủ trương “không để ai lại phía sau”, chính báo chí Pháp đã có nhiều bài viết ca ngợi công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Việt Nam đã nỗ lực bảo đảm các quyền của người dân như khám, chữa bệnh miễn phí, tiêm vaccine phòng bệnh, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra. Vấn đề bình đẳng giới cũng luôn được quan tâm, đồng thời có nhiều chính sách chăm lo người già, phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật. Việt Nam cũng tích cực tham gia các công ước của Liên hợp quốc để bảo vệ những nhóm người này.
Ông Jean-Pierre Archambault đánh giá cao chủ trương đề cao, tạo điều kiện cho phụ nữ đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong các cơ quan trung ương và địa phương. Ông ghi nhận: Chúng tôi thấy rõ sự phát triển của vai trò người phụ nữ ở Việt Nam, có nhiều nữ chính trị gia được bầu vào Quốc hội.
Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã có những hướng đi đúng đắn cả về đối nội và đối ngoại, không ngừng phát huy vai trò trên trường quốc tế. Ông Jean-Pierre Archambault nhận định: Tôi cho rằng Việt Nam xứng đáng nhận trọng trách này lần thứ hai. Điều đó cho thấy cộng đồng quốc tế rất tín nhiệm và đánh giá cao khả năng của Việt Nam.
Chúc mừng Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, nhà sử học Alain Ruscio nói: Cộng đồng quốc tế đã thấy rõ những tiến bộ rất lớn của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, không chỉ cho Việt Nam mà còn đóng góp cho cộng đồng quốc tế.
Theo nhà sử học Alain Ruscio, Việt Nam được đã đạt tiến bộ nổi bật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quyền con người. Ông cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục thông tin để cả thế giới biết rõ về những tiến bộ rất thuyết phục trong lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam.
Theo: nhandan.vn