Đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng cho thấy các chính sách hỗ trợ đang dần thẩm thấu vào thị trường bất động sản. Giới chuyên gia kỳ vọng sự thẩm thấu này sẽ tiếp tục lan toả mạnh mẽ kể từ giai đoạn cuối 2023 trở đi.
Mức độ thẩm thấu lan rộng
Giao dịch trên thị trường bất động sản đã dần sôi động trở lại. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm tại thị trường Hà Nội ghi nhận lượt tìm mua cải thiện ở các quận Hoàng Mai, Nam Từ Niêm, Long Biên, Hà Đông với mức tăng từ 2 – 6% so với quý trước.
Đất nền tại khu vực Hoài Đức và Thanh Trì ghi nhận đà tăng trưởng thấy rõ khi cải thiện từ 4 – 6% ở cả nhu cầu mua và bán. Một số thị trường tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình ở phía Bắc hay Long An, Bình Dương ở phía Nam cũng đang dần phục hồi ở nhu cầu tìm kiếm sau thời gian dài suy giảm.
Trao đổi với Lao Động, ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích tại CTCP FIDT – nhận thấy đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính sách đang dần có sự thẩm thấu vào thị trường bất động sản. Đầu tiên là lãi suất có xu hướng giảm, các chính sách cho vay bất động sản dần được nới lỏng.
Theo khảo sát, lãi suất huy động ước tính trung bình toàn thị trường đã có xu hướng giảm đáng kể từ đầu năm đến nay. Đây chính là tiền đề để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Trong ngắn hạn thị trường bất động sản đặc biệt nhạy cảm với lãi suất nên ông Phương cho rằng việc lãi suất giảm sẽ sớm tác động tích cực lên cả bên phía cung và cầu của thị trường.
Trong tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN nhằm hoãn thi hành các khoản 8, 9, 10 Điều 8 của Thông tư 06/2023/TT-NHNN. Việc hoãn thi hành các khoản trên sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản dễ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng hơn trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, điều này còn góp phần cải thiện tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế khi các nhu cầu vay vốn để góp vốn, mua cổ phần, hợp tác kinh doanh là rất lớn.
Bên cạnh đó, ông Phương cũng chỉ ra các nút thắt pháp lý cũng dần được giải quyết. Sau hàng loạt những chính sách mang tính định hướng và sửa đổi được chính phủ ban hành thì trong thời gian gần đây, các dự án đang dần được tháo gỡ pháp lý để có thể tiếp tục triển khai.
“Đây chính là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự thẩm thấu của chính sách đang dần xuất hiện. Tôi kỳ vọng sự thẩm thấu này sẽ tiếp tục lan toả mạnh mẽ kể từ giai đoạn cuối 2023 trở đi” – vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tháo gỡ rào cản về tiếp cận vốn và pháp lý
Theo ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường tại Chứng khoán VPBank, từ giờ đến cuối năm, tháo gỡ về cách tiếp cận vốn của các doanh nghiệp bất động sản đóng vai trò quan trọng để đảm bảo khả năng huy động vốn, giải quyết những dự án ách tắc đang trong quá trình triển khai. Yếu tố thứ hai là tháo gỡ về pháp lý để các dự án sớm được đưa ra thị trường.
“Khi thanh khoản của các công ty địa ốc được giải quyết thì khó khăn của ngành bất động sản sẽ qua đi. Thông thường cứ 10 năm thì ngành bất động sản lặp lại chu kỳ khó khăn. Với chu kỳ này, tôi cho rằng Chính phủ đã có rất nhiều kinh nghiệm giải quyết từ sự kiện đóng băng trước đó nào năm 2011. Chúng tôi kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn trong nửa đầu năm 2024”.
Đồng quan điểm, Nguyễn Khắc Minh Tâm – Trưởng nhóm nghiên cứu và phân tích tại Chứng khoán Yuanta – cũng cho rằng, khó khăn về mặt pháp lý là yếu tố then chốt. Lãi suất vay hiện nay chưa tạo nhiều thay đổi lớn cho thị trường bất động sản mà cần thêm nhiều yếu tố nữa mới quyết định liệu có hồi phục hay không.
Nguồn: https://laodong.vn