Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại và logistics, có cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự phát triển, tỉnh cũng đang gặp nhiều thách thức lớn, nhất là sự quá tải của hạ tầng kỹ thuật. Nếu phát huy mặt tích cực liên kết vùng trong quá trình phát triển sẽ cộng hưởng được sức mạnh của từng địa phương để cùng phát triển.
“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”
Bình Dương lâu nay vẫn nỗ lực cho liên kết vùng, nhưng những điểm nghẽn ở tầm khu vực vẫn đang tác động đến sự phát triển của tỉnh. Theo GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, là trung tâm công nghiệp của Việt Nam nhưng trong địa giới hành chính tỉnh Bình Dương không có cơ sở hạ tầng thông suốt đến các công trình hạ tầng đầu mối lớn quan trọng để giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển công nghiệp, như sân bay, cảng biển.
Hạ tầng kết nối của các địa phương trong vùng ngày càng tắc nghẽn, chậm được cải thiện. Đồng thời, hạ tầng giao thông kết nối vùng ở phía nam của Bình Dương cũng đã bị quá tải, dẫn đến chi phí logistics của tỉnh tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu và thu hút các nhà đầu tư mới, làm mất lợi thế cạnh tranh của Bình Dương. Tuy nhiên, tự Bình Dương không giải quyết được vấn đề này vì các công trình kết nối không chỉ nằm trên địa bàn tỉnh.
“Vấn đề đặt ra là các địa phương trong Vùng Đông Nam bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng TP.Hồ Chí Minh cần phải đồng lòng để tạo ra tính trồi hệ thống cho giai đoạn phát triển mới. Phải giải quyết được vấn đề quá tải hạ tầng và bảo đảm thông suốt, kết nối liên vùng; phải tìm ra những cơ chế mang tính đồng thuận để giải quyết được vấn đề căn bản này mới có thể đả thông được các tắc nghẽn và thúc đẩy kinh tế – xã hội (KT-XH) cả vùng đi lên”, GS-TS Nguyễn Quang Thuấn cho biết.
PGS-TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng trong quá trình phát triển, liên kết vùng cần được thúc đẩy mạnh hơn, tạo ra sự cộng hưởng cho cả vùng. Hiện nay, vấn đề liên kết vùng của Vùng TP.Hồ Chí Minh hay Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được đặt ra rất quyết liệt. Bình Dương sẽ có đóng góp tích cực trong việc giải quyết vấn đề này. Đặc biệt là các tuyến đường kết nối đến trung tâm hội nhập quốc tế tới đây mở ra – Cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải hay sân bay Long Thành. Các tọa độ ấy đang được kết nối với các đường vành đai TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương sẽ có bước tiến mạnh, sức hấp dẫn đầu tư của Bình Dương sẽ cao hơn nhiều.
“Để tạo nên động lực mới và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Bình Dương cần tiếp tục chuyển sang tư duy phát triển “kinh tế vùng”, thông qua 4 mối liên kết, gồm: Bố trí lực lượng sản xuất thông qua quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; phối hợp xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng; đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động chung của vùng; bảo vệ môi trường chung trên phạm vi toàn vùng, nhất là lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn”.
(TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương)
Chủ động tháo dần những “nút thắt”
Với các chính sách đột phá “đi trước một bước” trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thời gian qua Bình Dương đãđạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối vùng là một trọng tâm trong phát triển, tỉnh đang triển khai nhiều dự án xây dựng các tuyến đường, cầu kết nối với các tỉnh, thành giáp ranh.
UBND tỉnh liên tục tổ chức các cuộc họp để nắm tình hình triển khai và thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông kết nối vùng tạo lực đẩy cho sự phát triển công nghiệp – đô thị – dịch vụ. Bố trí vốn, bổ sung vốn cho dự án kết nối vùng. Theo đó, tỉnh đã bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn từ nay đến năm 2025 là 4.266 tỷ đồng cho 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Bình Dương là 1.266 tỷ đồng và dự án bồi thường tái định cư Vành đai 3 là 3.000 tỷ đồng.
Bình Dương cũng đang dồn lực xúc tiến triển khai các dự án đường Vành đai 4, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Chơn Thành, phối hợp với các địa phương thực hiện dự án cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương – Đồng Nai; nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên sông Sài Gòn nối với TP.Hồ Chí Minh. Cả đường sắt, đường bộ và đường thủy trên địa bàn đều đang được Bình Dương quan tâm, thúc đẩy triển khai trong nỗ lực kết nối với các cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia trong Vùng Đông Nam bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng TP.Hồ Chí Minh.
Bình Dương đang xây dựng bản quy hoạch với mục tiêu hướng đến là cơ cấu lại nội bộ ngành, phân bổ lại không gian lãnh thổ và định hình lại các mục tiêu, định hướng phát triển từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nhằm đưa ra các giải pháp mang tính tích hợp hướng tới xây dựng, phát triển Bình Dương cùng với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ trở thành vùng động lực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, thúc đẩy và lan tỏa phát triển với các địa phương trong vùng. Trong đó, tỉnh nhấn mạnh và lấy mô hình, cấu trúc phát triển, gồm: 1 trục phát triển; 2 hành lang sinh thái; 3 vành đai liên kết và 5 phân vùng phát triển làm kim chỉ nam và nguyên tắc hoạch định các chiến lược dài hạn.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết nhằm phát huy lợi thế, góp phần thúc đẩy KT-XH khu vực Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Đây vừa là điều kiện, động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển KT-XH vừa là tiền đề để địa phương bứt phá trong tương lai. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể của tỉnh sẽ được xem xét thông qua trong năm 2023, cùng với thành tựu KT-XH cũng như tham vấn của các chuyên gia, nhà kinh tế, Bình Dương sẽ tổng hợp và đề xuất Trung ương xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng.
Nguồn: https://baobinhduong.vn