Triển khai xây dựng, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đáng sống, đến nay đa số các chỉ tiêu nâng cấp đô thị của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Kết quả này là cơ sở và bước đệm vững chắc để Bình Dương nâng cấp đô thị, quyết tâm sớm đạt các nền tảng của đô thị loại I.
Những năm qua, công tác quản lý, phát triển đô thị được tỉnh quan tâm chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2022 đạt 84%, cho thấy tốc độ phát triển của tỉnh Bình Dương rất cao, trong đó phát triển đô thị đóng vai trò quan trọng thông qua việc nâng loại các đô thị, thành lập các thành phố, thị trấn, các đô thị mới trên địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác nâng cấp đô thị được triển khai và bảo đảm thực hiện đúng lộ trình theo chương trình phát triển đô thị quốc gia, chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Đến nay, Bình Dương có 1 đô thị loại I (TP.Thủ Dầu Một), 1 đô thị loại II (TP.Dĩ An), 3 đô thị loại III (TP.Thuận An, TP.Tân Uyên; TX.Bến Cát), 5 đô thị loại V thuộc huyện (thị trấn Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành, Tân Bình).
Song song đó, tỉnh không ngừng triển khai thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị, đặc biệt là khu vực phía Nam của tỉnh. Công tác cải tạo, chỉnh trang các khu vực của đô thị cũ đã góp phần cải thiện tích cực diện mạo đô thị của tỉnh, có sự kết nối với đô thị mới bảo đảm kết nối về hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ. Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết thời gian qua việc phát triển đô thị của Bình Dương đúng định hướng đã giữ vai trò quan trọng, vừa thúc đẩy vừa giữ vững nhịp độ phát triển sản xuất. Các chương trình, kế hoạch trọng tâm của tỉnh được các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ và đạt được kết quả khả quan.
Đến nay, đa số các chỉ tiêu nâng cấp đô thị của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Kết quả này là cơ sở và bước đệm vững chắc để Bình Dương nâng cấp đô thị, phấn đấu, quyết tâm sớm đạt các nền tảng của đô thị loại I. Song song đó là việc cải tạo, chỉnh trang các khu vực của đô thị cũ đã góp phần cải thiện tích cực diện mạo đô thị của tỉnh.
Nhiều bài học kinh nghiệm
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết các kết quả đạt được theo hướng tích cực nói trên đã góp phần để tỉnh có thể đúc kết một số bài học kinh nghiệm. Theo đó, Bình Dương đã đặt đúng trọng tâm vào việc phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, kết nối, đi từ xây dựng quy hoạch tổng thể sau đó mới quy hoạch chi tiết và triển khai quy hoạch một cách kiên quyết, kiên trì… Quy hoạch của Bình Dương có tính đồng bộ cao, từ hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng văn hóa, hạ tầng công nghiệp, môi trường và dân cư.
Bình Dương đã chú trọng huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực để công nghiệp hóa, đô thị hóa. Quá trình tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh không chỉ là phát triển hạ tầng mà còn biết tạo ra sức hút đối với nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước chọn đầu tư vào Bình Dương vì địa phương có hạ tầng đồng bộ, kết nối, thuận tiện về nhiều mặt. Trong phát triển hạ tầng, Bình Dương đã biết huy động và sử dụng tốt nguồn lực của nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp, nguồn lực của nhân dân…
Cùng với đó, Bình Dương đã sớm chú trọng hội nhập, chủ động tiếp cận, tranh thủ và phát huy những mặt tích cực của hội nhập để phát triển thông qua quan hệđối tác, giao lưu vàtiếp thu, học tập kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài vềquản lý, vốn, kỹthuật, công nghệ… Bình Dương cũng đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa thông qua việc thành lập các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề… gắn kết học với thực tiễn.
Công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Bình Dương là hướng đến con người, chú trọng lợi ích của nhân dân bằng cách giải quyết vững chắc, từng bước có hiệu quả các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. “Những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững của đô thị như thu nhập, nhà ở, cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông liên kết vùng, giao thông động lực đô thị, cấp thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn… đều được quan tâm chú trọng giải quyết”, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, cho biết.
Giai đoạn từ nay đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh phấn đấu bình quân đạt từ 9-10%; cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, nông – lâm – thủy sản, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 62% – 30% – 2% – 6%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 393-419 triệu đồng, tương đương 15.000-16.000 USD; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30-35%; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 90%… Nguồn: https://baobinhduong.vn