Năm 2024, tỉnh Bình Dương được giao 22.000 tỉ đồng vốn đầu tư công (cao hơn 200 tỉ đồng so với năm 2023). Trong đó, phần lớn số vốn này được tỉnh phân bổ đầu tư cho hạ tầng giao thông.
Ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh đang quyết liệt triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm nhằm tăng năng lực lưu thông, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Cụ thể, đối với dự án thành phần 5 của dự án đường Vành đai 3 – TP HCM, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đã triển khai thi công các gói thầu xây lắp. Đối với dự án thành phần 6, tỉ lệ diện tích mặt bằng xây dựng đã được bàn giao đạt từ 80%-90%.
Đường Vành đai 4 – TP HCM qua địa bàn tỉnh dài 47,85 km, chia thành 2 dự án thành phần, tổng mức đầu tư hơn 18.200 tỉ đồng. Hiện nhà đầu tư đã đề xuất chủ trương đầu tư và đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Dự án đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 được thực hiện đầu tư đoạn từ cầu Khánh Vân đến ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (dài khoảng 52,25 km). Ngày 8-12-2023, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương đầu tư dự án. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ Vĩnh Phú đến giao lộ Lê Hồng Phong dài 12,7 km, 8 làn xe, tổng mức đầu tư 1.367 tỉ đồng, triển khai theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Công tác giải phóng mặt bằng đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong, đoạn qua địa phận TP Thủ Dầu Một và đoạn từ cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị, hiện đã bàn giao mặt bằng từ 60%-85,3%.
Riêng đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến cầu Ông Bố (dài 4,9 km) đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý, bàn giao mặt bằng khoảng 4% do nhiều hộ gia đình và tổ chức mới nhận tiền bồi thường, đang sửa chữa nhà cửa nên chưa bàn giao mặt bằng.
Theo ông Thuận, đối với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, trong quá trình triển khai gặp vướng mắc về mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật lưới điện trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Vừa qua, UBND TP Thuận An đã trình Sở Công Thương thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, sau khi phê duyệt sẽ tổ chức đấu thầu thi công xây lắp. Dự kiến trong quý I/2024 mới bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án BOT.
Đối với các dự án đường Vành đai 3 – TP HCM, Vành đai 4 – TP HCM, cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, hiện nguồn vốn bố trí cho các công trình gặp nhiều khó khăn, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét tổng hợp, trình cấp thẩm quyền bổ sung nguồn vốn ngân sách trung ương cho các dự án.
Về tái định cư, hiện các khu tái định cư đã có sẵn trên địa bàn TP Dĩ An và TP Thuận An. Tuy nhiên, còn một số khu tái định cư chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng để bố trí tái định cư theo quy định. Các địa phương đang đẩy nhanh công tác xây dựng hạ tầng các khu tái định cư nhằm sớm di dời, bố trí người dân vào ở để có mặt bằng thi công.
Nguồn: https://nld.com.vn