Cả nước sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Bởi quangcaogiaodich

Rate this post

Đến thời điểm này, các địa phương đều hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng để hơn 1 triệu sĩ tử cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 28 và 29/6 tới đây.

Chuẩn bị chu đáo, tiếp sức thí sinh khó khăn

Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất với hơn 102.000 em, chiếm hơn 1/10 số lượng thí sinh cả nước. Ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội – thông tin, thành phố dự kiến bố trí 189 điểm thi với 4.263 phòng thi. Đồng thời, điều động hơn 14.900 cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi và 532 thanh tra. Thành phố đã triển khai bài bản việc hướng dẫn, tập huấn công tác coi thi, thanh tra thi; hoàn thiện chuẩn bị cơ sở vật chất, chủ động ứng phó tình hình dịch bệnh, mưa bão, cấp điện. “Thành phố tập trung mọi nguồn lực phục vụ công tác chuẩn bị tổ chức, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh” – ông Trần Thế Cương khẳng định.

TPHCM là địa phương có số thí sinh đông thứ hai cả nước với hơn 97.400 em. Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM – cho biết, công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề, bài thi được đặc biệt chú trọng. Trong đó, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm thi, ban in sao đề thi, ban làm phách, ban chấm thi, ban phúc khảo nhằm phòng chống gian lận. Lực lượng công an hỗ trợ ngành giáo dục kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý các vi phạm như lộ đề thi, mất bài thi, tiêu cực, gian lận thi cử, sử dụng kỹ thuật công nghệ cao.

Có điểm thi thuộc vùng hải đảo, Ban chỉ đạo thi tỉnh Bình Thuận đã lên phương án phối hợp để vận chuyển đề thi đến điểm thi tại đảo Phú Quý và phương án vận chuyển bài thi từ đảo Phú Quý vào đất liền để thực hiện công tác chấm thi. Cụ thể, Sở GD-ĐT tỉnh đã lên kế hoạch thuê 1 chiếc tàu để vận chuyển đề thi ra đảo và đưa khoảng 40 thầy cô giáo làm nhiệm vụ coi thi tại đảo Phú Quý. Việc giao đề thi từ đất liền ra đảo có sự tham gia của lực lượng bộ đội biên phòng để kịp thời hỗ trợ nếu có vấn đề nảy sinh.

Trong khi đó, ông Mai Sơn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang – cho hay, là địa phương có vùng núi, thường xảy ra lũ quét, tỉnh đã lên các phương án dự phòng các tình huống thiên tai, bão lũ. Đối với các thí sinh ở xa, các điểm thi đã bố trí chỗ nghỉ cho thí sinh và người nhà tại nhà công vụ, vận động nhà dân xung quanh điểm thi cho thí sinh lưu trú trong các ngày thi.

Tương tự, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ, là địa phương vùng núi, 88% dân số là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, di chuyển khó khăn, tỉnh đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ để đảm bảo tối đa quyền lợi cho thí sinh. Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã giao cho tỉnh đoàn thành lập các đội thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi, hỗ trợ, bố trí nơi ăn ở cho các thí sinh, người nhà thí sinh ở xa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh trong những ngày thi.

Dự phòng các tình huống bất thường 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi cùng Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM ngày 13/6 vừa qua - ẢNH: P.T.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi cùng Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM ngày 13/6 vừa qua – Ảnh: P.T.

Theo ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) – năm nay cả nước có hơn 1.024.000 thí sinh, tăng khoảng 23.000 thí sinh so với năm 2022. Ban chỉ đạo cấp quốc gia đã phân công 4 đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương về công tác tổ chức kỳ thi. Cùng với đó là thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 địa phương.

Đối với công tác ra đề thi, năm nay, Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn quy trình ra đề bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi để soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án. Bên cạnh đó, bộ tiếp tục sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm phiên bản đã cung cấp cho các sở GD-ĐT năm 2022. Bộ đã tập huấn và hướng dẫn các sở chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm. Đồng thời, các lỗi mắc phải trong công tác chấm thi tại các kỳ thi trước đều được tổng hợp và lên phương án khắc phục, tránh lặp lại.

Về công tác thanh, kiểm tra, bộ huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi và chấm thi tại 63 sở GD-ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng – Trưởng ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 – nhận xét: lứa học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay có 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy vậy, đến thời điểm này các địa phương từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn đều có nhiều phương án, cách thức hỗ trợ thí sinh hoàn thành chương trình, ôn tập hiệu quả. Các tỉnh, thành đều đảm bảo phương châm không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn, đường sá cách trở mà không dự thi được.

Theo ông, năm nào cũng thi nhưng năm nào cũng phải nhắc nhau. Kỳ thi tổ chức trên quy mô lớn, cùng một thời điểm với sự tham gia của trên 1 triệu thí sinh. Cho nên, các địa phương cần lưu ý dự phòng các tình huống bất thường, chưa có tiền lệ, từ thiên tai, thời tiết, đến phương tiện kỹ thuật, yếu tố con người… Bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả đáng tiếc.

“Các địa phương cần lưu ý “4 đúng”, “3 không”. Theo đó, “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là: không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Các trường hoàn tất ôn thi tốt nghiệp cho học sinhĐến nay, các trường THPT đã hoàn tất việc ôn tập cho học sinh. Ông Lê Thanh Hiếu – Hiệu trưởng Trường THPT Linh Trung (TP Thủ Đức, TPHCM) – thông tin, nhà trường đã kết thúc ôn tập cho hơn 640 học sinh lớp Mười hai từ ngày 23/6. Các em được ôn tập kỹ đối với các môn thi, trong đó buổi sáng học sinh ôn tập 3 môn bắt buộc (toán, văn, tiếng Anh), buổi chiều chia lớp ôn luyện theo tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội).Theo ông, nhà trường đã tổ chức thi thử cho học sinh với cách thức y như kỳ thi thật để học sinh làm quen với áp lực phòng thi cũng như rút kinh nghiệm trong quá trình làm bài thi. Qua đợt thi thử, giáo viên đã đánh giá và lên phương án ôn tập phù hợp đối với các em trong giai đoạn “nước rút”. Từ nay đến khi thi, giáo viên phổ biến đến học sinh chỉ nên ôn tập nhẹ nhàng, kết hợp nghỉ ngơi để đảm bảo “điểm rơi phong độ” tốt nhất trước giờ G. Dù đã kết thúc ôn tập, thầy cô vẫn sẵn sàng hỗ trợ nếu các em có thắc mắc về kiến thức môn thi.Tại xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) – xã đảo duy nhất của TPHCM, ông Nguyễn Bảo Ngọc – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Thạnh An – cho hay năm nay trường có 42 thí sinh thi tốt nghiệp. Dự kiến sáng 27/6, học sinh sẽ đi tàu vào đất liền để chuẩn bị thi. Các em sẽ ở lại đất liền 3 ngày 2 đêm, lưu trú tại Trường THCS Bình Khánh. Nam nay, học sinh xã đảo dự thi tại 2 điểm thi là THPT Bình Khánh và THPT An Nghĩa. Theo ông Nguyễn Bảo Ngọc, tất cả học sinh đều được ngành giáo dục địa phương hỗ trợ đầy đủ về chỗ ở, phương tiện đi lại, đảm bảo điều kiện tốt nhất để bước vào kỳ thi. Nhà trường bố trí 5 giáo viên đưa học sinh đi thi và sẽ túc trực toàn thời gian ở đất liền để hỗ trợ các em.
Tại TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) – cho hay vừa hoàn tất ôn thi cho học sinh. Năm nay, trường có hơn 700 học sinh lớp Mười hai tham gia thi tốt nghiệp, trong đó số lượng thí sinh đăng ký thi tổ hợp khoa học xã hội nhiều hơn tổ hợp khoa học tự nhiên. Nhà trường không tổ chức thi thử cho các em, song phân chia ôn tập theo tổ hợp tự chọn, đồng thời tăng cường kèm cặp các học sinh có học lực yếu hơn. Đến nay, các thí sinh đã sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng này.

Để lại một bình luận

Bài viết liên quan

Thiết kế website bởi Brand Design

Công nghệ mới bởiVZ99S666

Sân chơi mầm non TMA