Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), có dự án nhà ở xã hội rao bán đến vài chục lần vẫn không có người mua hoặc có một số dự án nhà ở xã hội bị khách hàng khiếu nại nên đã xuất hiện cách nhìn nhận chưa đúng về chất lượng nhà ở xã hội hoặc xem nhà ở xã hội là nhà rẻ tiền.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, Bộ Xây dựng thống kê từ 60/63 địa phương cho thấy tính đến hết năm 2022, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn, đạt 41,7% kế hoạch và đang triển khai thực hiện 418 dự án với khoảng 432.400 căn.
Trong đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 126 dự án với khoảng 62.700 căn hộ và đang triển khai 127 dự án khoảng 160.900 căn hộ. Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đô thị, đã hoàn thành 181 dự án với khoảng 94.390 căn hộ và đang triển khai 291 dự án với khoảng 271.500 căn hộ.
Riêng TP HCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng 23 dự án nhà ở xã hội với 18.085 căn trong giai đoạn 2015-2020, tương đương 75% kế hoạch và dự kiến triển khai đầu tư xây dựng 25 dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 với khoảng 30.610 căn.
Báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng trong các năm 2020, 2021, 2022 cũng cho thấy, công tác phát triển nhà ở xã hội của cả nước giảm mạnh, mới hoàn thành đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với 4.671 căn. Trong đó, năm 2020 hoàn thành 8 dự án với 1.677 căn, năm 2021 hoàn thành 5 dự án với 1.694 căn và năm 2022 hoàn thành 6 dự án với 1.300 căn.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt kế hoạch đã đề ra, chưa đáp ứng kịp nhu cầu nhà ở rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó đặt ra mục tiêu phát triển 428.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 và 572.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2026-2030, nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn.
Tại Hội nghị triển khai “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” diễn ra vào ngày 19/5, Bộ Xây dựng cho biết từ năm 2021 đến ngày 18/5/2023, cả nước mới hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 19.516 căn, tương đương 4,55% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025 và đang triển khai thực hiện 294 dự án với khoảng 288.499 căn.
Theo ông Châu, để đạt được mục tiêu phát triển 428.000 căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2025 thì vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung nỗ lực xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hoá từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn thực hiện cam kết đầu tư phát triển khoảng 1,5 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.
Bên cạnh đó, thực trạng trong thời gian qua, nhiều dự án nhà ở xã hội có chất lượng xây dựng công trình không tốt và nhanh xuống cấp, thiếu các tiện ích, dịch vụ tại chỗ và thiếu các tiện ích, dịch vụ đô thị trong khu vực lân cận, không kết nối giao thông thuận tiện.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), có dự án nhà ở xã hội rao bán đến vài chục lần vẫn không có người mua hoặc có một số dự án nhà ở xã hội bị khách hàng khiếu nại nên đã xuất hiện cách nhìn nhận chưa đúng về chất lượng nhà ở xã hội hoặc xem nhà ở xã hội là nhà rẻ tiền.
“Có thể do nhận thức chưa đúng về nhà ở xã hội và chỉ nhằm tìm cách làm giảm giá thành nhà ở xã hội hoặc xem nhà ở xã hội là nhà rẻ tiền nên đã có một số quy định pháp luật về nhà ở xã hội chưa theo hướng bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cùng loại, như các quy định sau đây: Bắt buộc sử dụng gạch không nung; quy định suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội dạng chung cư thấp hơn khoảng 30% so với nhà chung cư”, ông Châu nêu rõ.
Để làm rõ hơn về bất cập quy định suất vốn đầu tư, ông Châu ví dụ một công trình nhà ở xã hội dạng chung cư cao tối đa 20 tầng và một tầng hầm có suất đầu tư hơn 8,8 triệu đồng/m2 sàn. Còn với công trình chung cư (không phải chung cư nhà ở xã hội) cùng quy mô có suất đầu tư hơn 11,6 triệu đồng/m2.
“Không rõ vì sao cùng loại nhà chung cư 20 tầng có một tầng hầm như ví dụ trên đây mà suất vốn đầu tư chung cư nhà ở xã hội chỉ là 8,8 triệu đồng/m2, thấp hơn 31% so với suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư (không phải chung cư nhà ở xã hội). Làm sao bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cùng loại?”.
Cũng theo Chủ tịch HoREA, các nước hiện nay đều rất quan tâm chuẩn hóa nhà ở xã hội, kiểm soát giá thành, giá bán nhà ở xã hội là nhà ở giá thấp (low cost housing) hoặc nhà ở giá vừa túi tiền (affordable housing) dành cho người có thu nhập thấp (low income) nhưng có chất lượng như nhà ở thương mại. Do vậy, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần phải khẳng định nhà ở xã hội có chất lượng tương đương nhà ở thương mại, không phải là nhà rẻ tiền.
Nguồn: https://cafef.vn