Theo lãnh đạo Cục CSGT, khi tuần tra, hơn 2.040 cảnh sát sử dụng điện thoại có ứng dụng AI để phân tích, nhận diện biển số phương tiện tự động.
60 tổ CSGT sử dụng công nghệ AI để phát hiện vi phạm
Liên quan đến việc mới đây các tổ tuần tra, kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1A dùng app trên điện thoại xử lý vi phạm giao thông, khiến nhiều tài xế ngạc nhiên, ngày 22/1, lãnh đạo Cục CSGT, Bộ Công an xác nhận Cục đang thí điểm cấp tài khoản cho 1.780 cán bộ, chiến sĩ thuộc 60 tổ của 30 Phòng CSGT Công an các địa phương trên tuyến và 260 cán bộ, chiến sĩ của 7 Đội tuần tra kiểm soát trên cao tốc để phát hiện, xử lý vi phạm giao thông.
Theo vị này, ứng dụng thông minh tích hợp trên điện thoại di động của CSGT được sử dụng công nghệ hiện đại kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ, tương thích với nhiều loại thiết bị di động để từng bước tự động hóa, nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông.
Trong giai đoạn thí điểm, dựa trên hình chụp của máy ảnh điện thoại, ứng dụng sử dụng công nghệ AI để phân tích, nhận diện biển số phương tiện để hệ thống dữ liệu tự động kiểm tra phương tiện đã được các Tổ CSGT trước đó kiểm tra, hạn chế kiểm tra nhiều lần trên tuyến.
Ngoài ra, ứng dụng còn sử dụng công nghệ quét QRCode, CCCD và GPLX của lái xe để thu thập thông tin người điều khiển phương tiện nhanh chóng, chính xác và được kết nối trực tuyến tới tất cả các Tổ CSGT đang hoạt động trên tuyến Quốc lộ 1A, kết nối về Trung tâm thông tin chỉ huy giao thông các cấp để quản lý, điều hành.
“Đây chỉ là một trong nhiều ứng dụng lực lượng CSGT đang triển khai để thực hiện Chủ trương hiện đại hóa lực lượng, tiến tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đại diện Cục CSGT cho hay.
Cũng theo vị này, hiện tại Cục đang thực hiện các bước để triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu camera. Sau khi hoàn thành sẽ nghiên cứu phương án trang cấp thiết bị di động cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên toàn quốc, để sử dụng ứng dụng này.
Công nghệ AI giúp tiết kiệm thời gian cho cảnh sát và tài xế, tránh chồng chéo
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Cục CSGT, ngay từ những ngày đầu thí điểm, công nghệ kết nối tuần tra liên tuyến đã nhận được những phản hồi tích cực từ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, cũng như người dân tham gia giao thông trên đường. Đặc biệt việc áp dụng trên tránh được sự chồng chéo trong việc kiểm soát phương tiện kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông.
“Việc ứng dụng công nghệ này cũng giúp các Tổ CSGT nhanh chóng xác định phương tiện đã được kiểm tra ở trước đó hay chưa, thời gian, địa điểm kiểm tra để quyết định có thực hiện dừng phương tiện kiểm soát hay không (trừ các trường hợp phát hiện vi phạm trực tiếp), hạn chế việc dừng một phương tiện nhiều lần, liên tục, gây phiền phức cho người điều khiển phương tiện và người ngồi trên xe”, lãnh đạo Cục CSGT nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi dùng app này sẽ rút ngắn thời gian kiểm soát, cụ thể: Thông tin, tình trạng pháp lý của giấy tờ liên quan đến người điều khiển, phương tiện đã được thể hiện ở thông tin kiểm soát, xử lý vi phạm của Tổ CSGT trước trên ứng dụng; cán bộ CSGT có thể sử dụng quét mã QRCode, CCCD và GPLX để thu thập thông tin người điều khiển phương tiện nhanh chóng, chính xác…
Cảnh sát cũng dễ dàng xác định được lộ trình di chuyển của phương tiện, thông tin địa điểm, thời gian các lần chụp ảnh biển số phương tiện (có thể dừng phương tiện để kiểm soát hoặc không dừng phương tiện) đều được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của ứng dụng để dựng lại lộ trình di chuyển của phương tiện…
Điều này giúp tiết kiệm thời gian kiểm tra của lực lượng chức năng; thời gian của doanh nghiệp và người điều khiển phương tiện; tiết kiệm vật tư tiêu hao phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát (như ống thổi, que test, phiếu in kết quả…).
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc, tương lai Cục CSGT có hướng tới phát triển, ứng dụng công nghệ này để hỗ trợ tra cứu hoặc tiếp nhận hình ảnh vi phạm giao thông mà người dân gửi tới, để làm căn cứ xử phạt nguội hay không?, vị đại diện Cục CSGT cho rằng, hiện nay, Cục CSGT cũng đang nghiên cứu, xây dựng app dành riêng cho công dân.
Thông qua app này người dân có thể khai thác những tiện ích của liên quan đến lĩnh vực giao thông như tra cứu thông tin về tình hình giao thông, tra cứu thông tin vi phạm giao thông, nộp phạt vi phạm hành chính trực tuyến…, cũng như phản ánh tình hình giao thông, thông tin vi phạm giao thông cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
“Cũng từ app trên, cảnh sát có thể sử dụng quét mã QRcode truy cứu thông tin, xác minh, xử lý các hình ảnh vi phạm người dân gửi tới theo đúng quy định của pháp luật và phản hồi lại kết quả xử lý cho người dân một cách nhanh chóng”, đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Kết quả tra cứu từ ứng dụng của Cục CSGT cho thấy, từ 6h00 ngày 20/1/2024 đến 6h00 ngày 21/1/2024, CSGT các địa phương nhập lên ứng dụng 7.576 lượt kiểm tra phương tiện, trong đó có 1.709 trường hợp vi phạm gồm 294 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 26 trường hợp quá tải quá khổ, 26 trường hợp chở quá số người quy định; 67 trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường; 10 trường hợp đi ngược chiều; 9 trường hợp vi phạm ma túy…
Theo Thiên Sơn
Đời sống Pháp luật
Nguồn: https://cafef.vn