Đòn bẩy tín dụng được kỳ vọng là giải pháp khả dĩ nhất lúc này để vực dậy thị trường bất động sản, cũng là để khơi thông dòng vốn và phục hồi nền kinh tế.
Nới lỏng tiền tệ, bơm tiền không dễ
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn, có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, tăng cung tiền, tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Tuy vậy, làm thế nào để bơm tiền ra nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân đều sút giảm là câu hỏi rất khó. Tính cuối tháng 6/2023, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 4,73% dù thanh khoản và room tín dụng dư thừa.
Hiện ngành khát vốn nhất là bất động sản, cầu vay vốn rất cao, song rủi ro lớn, đặc biệt là rủi ro pháp lý, khiến ngân hàng không dám cho vay. Trong khi đó, các ngành sản xuất rủi ro ít hơn lại không có nhu cầu vay vốn do không có đơn hàng.
Trong bối cảnh này, “đòn bẩy” tín dụng sẽ đóng vai trò rất lớn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư, giải quyết bài toán tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản. Giải pháp tín dụng là giải pháp có tính “đột phá” và có tính “lan tỏa” nhanh nhất, rộng khắp nhất.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA
Không thể cho vay sản xuất, không muốn cho vay bất động sản, vậy ngân hàng rót vốn vào đâu?
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh cầu đầu tư, xuất khẩu đều suy giảm, giải pháp khả dĩ để kích thích tổng cầu là đẩy mạnh triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 – 2023 và “thúc” giải ngân đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc đẩy nhanh đầu tư công cũng sẽ giúp tín dụng ngân hàng lan tỏa.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank kỳ vọng, nửa cuối năm, tín dụng ngân hàng này sẽ tăng trưởng mạnh hơn nhờ tham gia thu xếp vốn cho một loạt dự án trọng điểm quốc gia.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng TMCP nào cũng có thể tham gia thu xếp, tài trợ vốn cho các dự án đầu tư công. Với các ngân hàng TMCP tư nhân, thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng được kỳ vọng là động lực tăng trưởng lúc này.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, trong bối cảnh hai động lực tăng trưởng là đầu tư và xuất khẩu đều khó khăn, giải pháp quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, với giải pháp này, ngành ngân hàng không thể tự giải quyết được, mà cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành trong “hạ chuẩn” cho vay, phát triển các hình thái cho vay tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi của bên cho vay.
Vực dậy bất động sản để làm ấm nóng dòng tiền
Dù bất động sản đang gặp khó khăn, song không thể phủ nhận, đây vẫn là đầu ra quan trọng và khả dĩ nhất với nhiều ngân hàng hiện nay. Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho hay, tín dụng bất động sản đang chiếm 27,5% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này.
“MB xác định, bất động sản là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến các ngành, nghề khác, nên vẫn dành room tín dụng để tài trợ cho lĩnh vực này. Chúng tôi định hướng ưu tiên bất động sản nhà ở phân khúc trung bình, phục vụ nhu cầu để ở của người dân và bất động sản khu công nghiêp, khu chế xuất”, ông Ánh cho biết.
Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng vẫn tích cực tìm kiếm các dự án tốt để đẩy mạnh cho vay bất động sản, song việc giải ngân không dễ dàng do hầu hết các dự án đều gặp vướng mắc về pháp lý. Chính vì vậy, đẩy nhanh xử lý vướng mắc pháp lý, tăng cấp phép cho các dự án mới là vấn đề sống còn với doanh nghiệp bất động sản hiện nay và tác động mạnh đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng thời gian tới.
Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành tháo gỡ các vướng mắc này, song tiến độ giải quyết còn chậm. Theo phản ánh của các ngân hàng, hiện hầu hết khách hàng là chủ đầu tư không hoàn thiện được dự án theo tiến độ dự kiến do vướng mắc pháp lý, khó khăn về nguồn vốn triển khai, áp lực nợ và trái phiếu đến hạn lớn, sụt giảm doanh thu.
Trong khi đó, phân khúc tín dụng tiêu dùng bất động sản – từng là động lực tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng nhiều năm qua – có dấu hiệu chậm lại. Thống kê của NHNN cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 14%, song tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm 1,32% (cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%).
“Niềm tin của người mua nhà suy giảm ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu vay vốn, tuân thủ cam kết thanh toán theo hợp đồng mua bán với chủ đầu tư và cam kết trả nợ vay với ngân hàng”, ông Phạm Như Ánh nói.
Ngoài vấn đề niềm tin, khảo sát của Báo Đầu tư cho thấy, sở dĩ người dân chưa sẵn sàng vay mua nhà trở lại là bởi mặt bằng lãi vay mua nhà vẫn phổ biến ở mức 12,5-14%/năm, trong khi thu nhập sút giảm. Mặc dù ngành ngân hàng đã tung ra gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, song giải ngân còn nhỏ giọt, bởi đây vẫn là gói tín dụng thương mại, lãi suất ưu đãi chỉ được áp dụng năm đầu, chưa kể số lượng dự án nhà ở xã hội còn khan hiếm.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nửa đầu năm nay, hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục tăng trưởng âm dù đã giảm đà rơi. Theo đó, HoREA kiến nghị một loạt giải pháp để tín dụng thành đòn bẩy tháo gỡ khó khăn cho bất động sản.
Cụ thể, NHNN cần cho phép ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu để đảo nợ, bãi bỏ một số quy định về tổ chức tín dụng không được cho vay trong Thông tư 06/2023/TT-NHNN vừa được ban hành. Đồng thời, HoREA kiến nghị hoãn thời điểm áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên 20% sang năm 2024 thay vì ngày 1/10/2023…
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng tham gia tích cực hơn trong tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, giúp các thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn