VBMA ước tính sẽ có khoảng 255.732 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản (BĐS) với 98.127 tỷ đồng, tương đương 38,4%.
Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày 1/3, có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 1.165 tỷ đồng trong tháng 2/2024. Tiếp tục tình trạng phát hành ảm đạm trong tháng 1, giá trị phát hành trong tháng 2 vẫn ở mức rất thấp so với mặt bằng năm 2023 khi một số điều trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực trở lại và thắt chặt hơn quy định về phát hành TPDN, ví dụ như tiêu chí xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm.
Trên các diễn đàn mua bán trái phiếu, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến trái phiếu của các DN phát hành có mức lãi suất từ khoảng 7%-10%/năm, cao hơn đáng kể so với lãi suất tiền gửi.
Đáng chú ý, trong tháng 2, các DN đã mua lại 2.056 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 10 tháng còn lại của năm 2024, VBMA ước tính sẽ có khoảng 255.732 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản (BĐS) với 98.127 tỷ đồng, tương đương 38,4%.
Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 7 DN công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6.213 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 24 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.
Nhìn vào thực tế thị trường, có thể kể tên một loạt DN gặp khó khăn trong thanh khoản trái phiếu đã xin gia hạn hoặc được dự báo trước. Ví dụ như Công ty CP Tập đoàn FLC báo cáo gửi HNX về tình hình thanh toán gốc và lãi của lô trái phiếu FLCH 2123003 đáo hạn vào ngày 28/12/2023. FLC cho biết tiếp tục chưa thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ vay. Theo đó, lô trái phiếu này có giá trị 1.150 tỷ đồng, được phát hành vào ngày 28/12/2021, kỳ hạn 24 tháng và kỳ trả lãi 6 tháng/lần.
Theo Hà Anh (t/h)
An ninh tiền tệ