Giai đoạn 2023-24 được giới đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng sẽ là thời điểm vàng để đón đầu dòng vốn ngoại cho “game” nâng hạng, nhưng thực tế diễn ra lại đang không như mong đợi.
“Hàng tỷ USD vốn ngoại sẽ đổ vào chứng khoán Việt Nam nếu được nâng hạng” là chủ đề đầu tư được nhắc đi, nhắc lại rất nhiều trong những năm qua. Câu chuyện phản ánh kỳ vọng lớn của nhà đầu tư vào việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm thu hút được khối ngoại trở lại, đặc biệt khi tiến trình nâng hạng đang được gấp rút triển khai.
Hệ thống KRX đi vào vận hành thời gian tới sẽ là cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), từ đó giải quyết một trong những nút thắt trọng yếu của việc lên hạng là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding). Với những nỗ lực của cơ quan quản lý thời gian qua, kỳ vọng nâng hạng TTCK Việt Nam vào năm 2025 được nhiều chuyên gia đánh giá khả thi.
Theo một số thống kê, dòng vốn ngoại thường sẽ đến trước thời điểm chính thức nâng hạng khoảng 1-2 năm và thúc đẩy thị trường chứng khoán bật tăng mạnh. Điển hình như TTCK Qatar tăng hơn 45% từ (T9/2013-T9/2014), Saudi Arabia tăng hơn 23% (T3/2017-T3/2018), Romania tăng hơn 18% từ (T9/2018-T9/2019). Vì thế, giai đoạn 2023-24 được giới đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng sẽ là thời điểm vàng để đón đầu dòng vốn ngoại.
Thế nhưng, thực tế đang diễn ra không như mong đợi, nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng triền miên trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Khối ngoại đã bước sang tháng thứ 9 liên tiếp bán ròng trên HoSE với tổng giá trị luỹ kế từ đầu tháng 4 đến nay lên đến hơn 25.000 tỷ đồng (~ 1 tỷ USD). Xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và không loại trừ khả năng sẽ sớm xóa tan thành quả mua ròng mạnh của khối ngoại vào cuối năm ngoái.
Hiện tại, giao dịch khối ngoại không còn quá ảnh hưởng đến thị trường như trước, thậm chí một số giai đoạn có phần lép vế trước dòng tiền nội. Tuy nhiên, động thái bán ròng triền miên của khối ngoại chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, xu hướng này cũng cho thấy sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Việt Nam dù triển vọng nâng hạng đang ngày càng rõ ràng.
Nâng hạng mới là điều kiện cần
Không thể phủ nhận những tác động tích cực của việc được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi. Thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ có thể được hưởng lợi ở một số khía cạnh như tăng cường tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam và vị thế quốc gia; doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.
Dù vậy, để thực sự hấp dẫn dòng vốn ngoại đến với thị trường chứng khoán Việt Nam, nâng hạng có lẽ mới chỉ là điều kiện cần. Thực tế, nâng hạng chưa phải đích cuối cùng, điều khó khăn nhất đó là phải tồn tại trong nhóm mới nổi đó. Có rất nhiều quốc gia khi được nâng hạng, nhưng chỉ sau một năm đã bị loại, nguyên nhân do không cạnh tranh được về mặt vốn hóa, không cạnh tranh được về mặt thanh khoản của thị trường. Đây là 2 tiêu chí rất quan trọng.
Thanh khoản có lẽ không phải là vấn đề đáng lo ngại. Theo số liệu từ Bloomberg, tỷ lệ giá trị giao dịch/vốn hóa bình quân phiên trên HoSE trong 6 tháng trở lại đây đã xấp xỉ 0,3%. Đây là mức rất cao so với đa phần các thị trường phát triển như Mỹ (Dowjone, Nasdaq), Anh (FTSE 100), Đức (DAX) với đầy đủ các sản phẩm và giao dịch T0 được áp dụng từ lâu. Con số này “dư sức” đảm bảo tiêu chí thanh khoản được ước tính theo ATVR (Annualized Traded Value Ratio) của MSCI cho thị trường phát triển (20%).
Đáng tiếc, giao dịch sôi động lại không đồng nghĩa với sự đi lên về mặt vốn hóa. Những năm qua, VN-Index dù nhiều lần “đi tàu lượn” nhưng vẫn chưa thoát khỏi vùng 1.100-1.200 điểm, vốn hóa HoSE cũng dao động quanh vùng 170-200 tỷ USD và chưa thể bứt phá. Điều này phần nào cho thấy mức độ đầu cơ ngày càng cao trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguyên nhân đến từ việc thiếu hụt dòng tiền đầu tư dài hạn, trong đó nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng.
Các giai đoạn khối ngoại mua ròng mạnh chủ yếu mang tính thời điểm, tranh thủ bắt đáy khi định giá xuống thấp sau các nhịp rơi sâu của thị trường. Dòng tiền này đến ồ ạt nhưng rút đi cũng nhanh chóng khiến chứng khoán Việt Nam thiếu động lực cho một “uptrend” bền vững. Để thay đổi được xu hướng này, nâng hạng thị trường có lẽ vẫn chưa đủ.
Chất lượng hàng hóa là một nút thắt
Tại một diễn đàn đầu tư mới đây, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho biết, khi trao đổi với nhóm nhà đầu tư nước ngoài trong khoảng một năm gần đây, họ không đề nghị bỏ miễn bỏ “room” sở hữu, không đặt nặng việc thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE hay MSCI.
Ông Dominic Scriven lấy ví dụ JP Morgan nếu đầu tư vào Việt Nam sẽ tiến hành giải ngân cho 10 quỹ đầu tư theo cùng một quy trình. Nếu chỉ có 2 đơn vị tham gia sẽ vi phạm nhưng nếu cả 10 quỹ tham gia lại đòi hỏi sự đa dạng các nhóm ngành để đầu tư. “Trong số 50 quỹ hưu trí của Mỹ đã sang Việt Nam lần thứ hai, chỉ có 3 quỹ rót vốn vào Việt Nam. Nếu quy mô quỹ lên tới 500 tỷ USD, làm sao mà họ đầu tư vào Việt Nam hiện giờ?” , người đứng đầu Dragon Capital đặt câu hỏi.
Có thể thấy, nâng hạng chưa chắc đã quan trọng bằng nâng chất lượng thị trường. Một thực trạng đang diễn ra tại thị trường chứng khoán Việt Nam là sự mất cân bằng giữa các nhóm ngành. Các cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), bất động sản áp đảo về mặt số lượng cũng như tỷ trọng vốn hóa (khoảng 60% toàn thị trường). Đây là các nhóm ngành có tính chu kỳ cao và phục thuộc nhiều vào tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, các lĩnh vực có khả năng tăng trưởng bền vững hơn, ít rủi ro hơn như công nghệ, y tế, dược phẩm, bán lẻ, tiện ích,… lại chiếm tỷ trọng nhỏ với số lượng cổ phiếu khiêm tốn. Đây là những nhóm ngành thu hút sự quan tâm lớn của khối ngoại và thường được nhà đầu tư chấp nhận mức định giá cao. Sự thiếu hụt này là một trong những rào cản khiến nhà đầu tư ngoại khó tiếp cận với chứng khoán Việt Nam.
Sự mất cân bằng kéo dài nhiều năm qua có một phần nguyên nhân do hoạt động thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước diễn ra ảm đạm. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp khối tư nhân có khả năng tạo ra sức ảnh hưởng lớn sẵn sàng lên sàn cũng không còn nhiều. Sau các giai đoạn bùng nổ hoạt động niêm yết mới 2007-08 và 2016-18, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhiều năm không có “bom tấn” nào thực sự.
Thiếu hàng hóa mới, việc đa dạng các sản phẩm đầu tư trở nên khó khăn. Danh mục của các quỹ đầu tư chủ động lớn đều là những gương mặt quen thuộc. Các bộ chỉ số tham chiếu cho các quỹ ETF cũng “na ná” nhau với cơ cấu chủ yếu gồm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Nhà đầu tư gần như không có lựa chọn khác, các mô hình quản lý tài sản gặp thách thức trong việc phát triển dù được đánh giá có tiềm năng lớn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 – Thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 – Thị trường mới nổi. Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market).
Nguồn: https://cafef.vn