Giới chuyên môn nhận định rằng, thời gian tới, dòng tiền sẽ quay lại thị trường bất động sản. Điều này cũng đã xảy ra trước đây và vận động theo chu kỳ. Khi lãi suất cao, dòng tiền đổ vào tổ chức tài chính. Khi lãi suất có xu hướng giảm, dòng tiền chảy ngược lại thị trường chứng khoán, bất động sản.
Bà Nguyễn Thị Ngát – môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, mặc dù thị trường bất động sản thời gian qua rơi vào tình cảnh trầm lắng, ảm đạm nhưng nhu cầu sở hữu bất động sản ở thực, kinh doanh…vẫn luôn có.
Tuy nhiên, sức cầu hiện bị ảnh hưởng chung do tâm lý thị trường. Do đó, nhiều nhà đầu tư hiện vẫn quan tâm đầu tư bất động sản nhưng trong tâm thế chờ đợi diễn biến tiếp theo của thị trường. Dòng tiền của các nhà đầu tư hiện đang “trú ngụ” ở các kênh đầu tư khác, đặc biệt kênh gửi tiết kiệm ngân hàng được lựa chọn nhiều.
Ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (Viện DXS – FERI) cho biết, lượng tiền gửi cá nhân trong hệ thống tài chính lên tới 6,28 triệu tỷ, có xu hướng tăng từ 2020 đến 2023 do lãi suất tiền gửi tăng cao. Cách đây khoảng 6 tháng, lãi suất gửi lên tới 11%/năm. Đó là lý do tại sao người dân thích đi gửi tiền hơn là đi đầu tư các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hầu như các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi xuống 8%/năm.
Ông Khôi cho biết, đến quý 4 năm nay, là thời điểm các khoản gửi tiết kiệm đó hết hạn thì mức lãi suất mới sẽ là 5-6%. Do đó, sắp tới sẽ xảy ra 2 xu hướng. Thứ nhất, với nhà đầu tư nào kỳ vọng lợi nhuận cao hơn thì sẽ không gửi tiền khi lãi suất thấp như vậy và tìm kênh đầu tư khác.
“Khi lãi suất thấp thông thường dòng tiền đổ ra kênh đầu tư đem lại lợi ích nhanh như chứng khoán, sau đó sẽ vào bất động sản”, ông Khôi nhấn mạnh.
Vị này cho rằng, điểm mấu chốt là khi lãi suất tiền gửi xuống dưới 5% và lãi suất cho vay xuống dưới 10%, lúc đó dòng tiền chảy ra ngoài sản phẩm mang tính đầu tư, rủi ro cao hơn. Có thể, dòng tiền không chảy hết, mọi người không tin tưởng để rút hết tiền ra nhưng một phần của dòng tiền sẽ chảy qua các kênh đầu tư khác.
“Kỳ vọng dòng tiền tiết kiệm sau đáo hạn một phần đi vào thị trường chứng khoán trước, sau đó sẽ quay lại thị trường bất động sản, dự kiến vào cuối năm 2023, đầu năm 2024”, ông Khôi đưa ra dự báo.
Thứ hai, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đem gửi tiền vào ngân hàng.
Dự báo về thị trường bất động sản từ này đến cuối năm, ông Khôi cho rằng: “Thị trường đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Dù các tín hiệu này còn ít, song cũng khiến tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn, mặc dù nhiều người vẫn đang duy trì trạng thái quan sát, không vội xuống tiền nhưng cũng đã xuất hiện nhu cầu mua “bắt đáy”. Thị trường bất động sản sẽ ấm hơn từ cuối quý 4/2023 và có sự chuyển biến tích cực vào nửa đầu năm 2024”.
Tại báo cáo mới đây của VnDirect, nhóm phân tích của đơn vị này cho rằng thời điểm khó khăn nhất của thị trường dường như đã ở lại phía sau nhưng những thách thức vẫn còn đó. Các nhà đầu tư bất động sản cần theo dõi sát sao thực trạng các kênh dẫn vốn, quy trình tháo gỡ thủ tục pháp lý và diễn biến thị trường nhà ở xã hội để đánh giá sự phục hồi của thị trường bất động sản nói chung.
Có một sự khác biệt lớn giữa thời điểm hiện tại và giai đoạn 2011-2012. Giai đoạn trước đó thị trường trong trạng thái dư cung và lạm phát ở mức rất cao, trong khi hiện tại nguồn cung dự án rất hạn chế và nguồn cầu vẫn trực chờ ở mức cao. VnDirect đưa ra dự báo thận trọng hơn cho rằng, thị trường sẽ vẫn trầm lắng trong năm tới, sự hồi phục sẽ rõ ràng hơn từ nửa cuối 2024 và sẽ phục hồi nhanh hơn giai đoạn trước khi chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng hơn.
Nguồn: https://cafef.vn