Ngân hàng tuần qua: Lãi suất huy động giảm về đáy lịch sử, tỷ giá lên cao nhất 9 tháng

Bởi quangcaogiaodich

Rate this post
Ngân hàng tuần qua: Lãi suất huy động giảm về đáy lịch sử, tỷ giá lên cao nhất 9 tháng

Tâm điểm ngành ngân hàng tuần qua là các diễn biến liên quan đến lãi suất và tỷ giá trong bối cảnh cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 của Fed đang đến gần

Trong tuần qua, hai ngân hàng có quy mô tiền gửi khách hàng lớn hàng đầu hệ thống Agribank và Vietcombank đồng loạt giảm 0,2 – 0,3 điểm % lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn.Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại hai ngân hàng này chỉ còn 5,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Với việc điều chỉnh trên, cả Agribank và Vietcombank đều đã đưa lãi suất huy động 12 tháng xuống còn 5,5%/năm – ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn covid-19. Trong khi đó, VietinBank và BIDV vẫn chưa công bố biểu lãi suất huy động mới và đang niêm yết các kỳ hạn này ở mức 5,8%/năm.

Sau động thái của Agribank và Vietcombank, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều ngân hàng giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.

Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng “thừa tiền” vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện chỉ quanh 7% một năm và cũng không nhiều nhà băng sẵn sàng trả mức này (không tính khách hàng VIP gửi khoản tiền lớn).

Theo giới phân tích, lãi suất huy động duy trì đà giảm kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm. Dù vậy, với việc lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại cùng rủi ro tỷ giá lớn hơn, mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể sẽ giảm chậm hơn so với các tháng vừa qua. Ngoài ra, hiện mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động đều đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nên dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động sẽ không còn lớn.

Tỷ giá trung tâm lần đầu tiên vượt mốc 24.000 đồng

Kết tuần qua, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.036 đồng/USD, tăng 43 đồng so với cuối tuần trước. Đây là lần đầu tiên kể tử khi được áp dụng vào đầu năm 2016, tỷ giá trung tâm vượt mốc 24.000 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 424 đồng, tương đương 1,8%.

Tại thị trường ngân hàng, giá USD cũng đồng loạt tăng mạnh, chiều bán ra đã vượt mốc 24.400 đồng – mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2022. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 700 đồng ở cả hai chiều giao dịch, tương đương tăng 2,9%.

Trong khi giá USD ngân hàng tăng mạnh thì trên thị trường tự do lại khá ổn định. Hiện giá giao dịch USD trên “chợ đen” phổ biến 24.150 đồng chiều mua vào và 24.200 đồng chiều bán ra.

Liên quan đến việc điều hành tỷ giá, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sáng 14/9, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với vấn đề tỷ giá, khi xuất khẩu hàng hoá sang các nước phá giá nhiều thì họ được lợi hơn về giá. Tuy nhiên, đối với NHNN thì khi điều hành tỷ giá phải đứng trên cục diện của toàn quốc gia, bao gồm cả doanh nghiệp xuất khẩu và cả doanh nghiệp nhập khẩu.

“Năm 2022, Việt Nam xuất siêu hơn 12 tỷ USD, nhưng của doanh nghiệp FDI xuất siêu lên đến 36 tỷ USD. Doanh nghiệp trong nước bị thâm hụt do chi phí sản xuất của ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu nước ngoài. Nếu tỷ giá tăng lên sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu. Chưa kể, khi tỷ giá tăng thì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không yên tâm vì khi hoạt động ở đây có lãi nhưng khi họ chuyển về nước lại thấy không có lãi. Do vậy, vấn đề ổn định tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế chứ không vì doanh nghiệp nào cả”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Chính phủ yêu cầu NHNN báo cáo phương án xử lý Ngân hàng SCB ngay trong tháng 9

Tại Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.

NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; khẩn trương hoàn thiện theo thẩm quyền các quy định, chính sách tín dụng, điều kiện cho vay với thủ tục thông thoáng, thuận tiện, khả thi, hợp lý hơn, tăng mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. NHNN tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; theo dõi việc triển khai thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh (nếu có).

Chính phủ cũng yêu cầu NHNN có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ.

Đáng chú ý, yêu cầu NHNN tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, báo cáo các cấp có thẩm quyền trong tháng 9 năm 2023. Giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9 năm 2023 phương án xử lý Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn, không để chậm trễ hơn nữa.

Sacombank xin chủ trương đầu tư vào Bamboo Airways,

Ngày 15/9, hãng hàng không Bamboo Airways đã tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường lần thứ ba năm nay. Theo nguồn tin của chúng tôi, ông Phan Đình Tuệ, Thành viên HĐQT công ty chia sẻ Sacombank (mã chứng khoán: STB) – chủ nợ lớn của Bamboo Airways đang có chủ trương tham gia đầu tư vào hãng này và đang xúc tiến các thủ tục xin cơ quan quản lý chấp thuận.

Ông Tuệ cho biết Sacombank đang là tổ chức tín dụng tham gia tài trợ lớn vào Bamboo Airways. Vì vậy, Sacombank thực sự quan tâm đến quá trình tái cấu trúc Bamboo Airways và kỳ vọng vào sự phát triển của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, là một tổ chức tín dụng nên việc Sacombank đầu tư vào Bamboo Airways được coi là đầu tư ngoài ngành. Vì vậy, nhà băng này đang phải xúc tiến các thủ tục, xin cơ quan quản lý chấp thuận mới có thể thực hiện được.

Trước đó, hồi tháng 8, Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho Bamboo Airways, trong đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm việc với hãng hàng không này để gỡ khó về vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện.

PG Bank có tân Tổng giám đốc

Ngày 14/9, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) thông báo bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng làm Tổng giám đốc, có hiệu lực từ ngày 15/9.

Ông Phạm Mạnh Thắng sinh năm 1962, nguyên là phó tổng giám đốc Vietcombank vừa nghỉ hưu theo chế độ từ 1/5.

PG Bank có những xáo trộn về mặt nhân sự thời gian gần đây sau khi cổ đông lớn Petrolimex đã thoái vốn thành công khỏi ngân hàng vào hồi đầu tháng 4. Ngoài vị trí Tổng giám đốc, PG Bank hồi tháng 7/2023 đã bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng làm Chủ tịch thay ông Oliver Schwarzhaupt.

Ngày 14/9/2023, Hội đồng quản trị (HĐQT) PGBank cũng đã nhận được Đơn xin từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT và xin rút khỏi vị trí thành viên HĐQT của ông Nguyễn Tiến Dũng vì lý do cá nhân.

Nguồn: https://cafef.vn

Để lại một bình luận

Bài viết liên quan