Tin từ một báo cáo công bố mới đây, Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) cho rằng các doanh nghiệp bất động sản không nên quá trông chờ vào tín dụng ngân hàng hay chờ được nới hạn mức. Bởi lượng tín dụng đổ vào bất động sản đang khá cao và vẫn trong xu hướng tăng.
“Với tình trạng hiện nay, kể cả có hạn mức riêng cho bất động sản, các doanh nghiệp chưa chắc đã tiếp cận được vì không đáp ứng các điều kiện cho vay từ phía ngân hàng”, VIRES chỉ ra.
Mặt khác, nếu bất động sản vẫn tiếp tục trông mong vào tín dụng hỗ trợ sẽ tạo ra rủi ro hệ thống rất lớn. Vì khi bất động sản “bể nợ” sẽ lan sang ngân hàng.
Nếu bất động sản vẫn tiếp tục trông mong vào tín dụng hỗ trợ sẽ tạo ra rủi ro hệ thống rất lớn. Ảnh minh họa: vietnamnet.vn
Thay vì vốn ngân hàng, trái phiếu phải là nguồn vốn quan trọng nhất với thị trường bất động sản. Thị trường cần nguồn vốn trung và dài hạn phải trông chờ vào trái phiếu chứ không phải vốn ngân hàng.
“Không cách nào khác, phải giảm bớt sự lệ thuộc của ngành bất động sản vào ngân hàng, có như vậy thì mới phân tán được rủi ro”, VIRES nêu quan điểm.
Với thị trường trái phiếu, chuyên gia VIRES cũng lưu ý, việc điều hành chính sách pháp luật cần tránh tình trạng khi quá nới lỏng để tạo ra một thị trường đầy kẽ hở để các doanh nghiệp đua nhau phát hành. Đến khi có rủi ro thì lại đột ngột “phanh” gấp khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, như câu chuyện đã diễn ra năm 2022.
Ngoài ra, theo VIRES, việc khơi thông nguồn vốn từ kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai là vô cùng cấp thiết đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Muốn vậy, phải kết hợp đồng bộ các giải pháp từ tạo vốn mồi đến tháo gỡ pháp lý cho các dự án.
Nguồn: https://baomoi.com