Siêu dự án sân bay lớn nhất Việt Nam 16 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng) đang được tức tốc thi công.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, sân bay Long Thành nằm trong quy hoạch phát triển và lập dự án đầu tư từ năm 1997. Hơn 20 năm sau, ngày 5/1/2021, công trình mới chính thức khởi công giai đoạn 1, dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2025. Với công suất thiết kế phục vụ cho 100 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sau khi hoàn thành xây dựng, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước
2.000 người làm ngày đêm thi công dự án
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), nhiều gói thầu của Dự án thành phần 3 – Cảng HKQT Long Thành đang triển khai bám sát tiến độ đề ra.
Trong đó, ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành (gói thầu 5.10) là hạng mục quan trọng nhất của dự án sân bay Long Thành, được khởi công từ 31/8/2023 với tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng. Đến nay sau hơn 4 tháng thi công nhà ga đã thành hình.
Liên danh nhà thầu huy động hơn 2.000 kỹ sư, công nhân cùng hàng trăm máy móc, trang thiết bị làm việc ngày đêm, xuyên Tết nhằm đảm bảo tiến độ của gói thầu, đưa gói thầu về đích với tiêu chí an toàn – chất lượng.
Nhà ga được xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không, lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới, bảo đảm độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không. Đồng thời, còn sử dụng các loại vật liệu bao che bảo đảm tiết kiệm năng lượng cho nhà ga và thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, nhà ga được xây trên khu đất rộng 150ha, thiết kế hai luồng đi và đến tách biệt, gồm một tầng trệt và 3 lầu. Tầng 1 là khu cửa hàng miễn thuế, nơi thực hiện các chuyến bay nối chuyến, nhập cảnh và nhận hành lý. Tầng 2 là nơi hành khách có thể ăn uống, mua sắm trong lúc chờ chuyến bay. Tầng 3 là khu vực làm thủ tục hải quan, an ninh, xuất nhập cảnh. Tất cả đều được trang bị các máy móc hiện đại, nhận diện hành khách bằng quét khuôn mặt, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo)..
Ngoài ra, gói thầu 4.6 (Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay (ga hàng hoá, hangar, cách ly) và các công trình khác) cũng đã được khởi công từ ngày 31/8. Nhà thầu thi công và tư vấn giám sát vẫn triển khai công việc cụ thể trên cơ sở kế hoạch triển khai chi tiết các hạng mục chính của gói thầu như thi công đường CHC, đường lăn và sân đỗ, thi công đường công vụ khu bay, hệ thống thoát nước mưa…
Đối với gói thầu 6.12 (Thi công xây dựng hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2), mặc dù gặp nhiều bất lợi về thời tiết và khó khăn nhưng liên danh nhà thầu thi công vẫn triển khai công việc bám sát kế hoạch tiến độ chi tiết đã đề ra.
Công nghệ BIM được ứng dụng
ACV cho biết, trên cơ sở tiến độ thi công chi tiết của các gói thầu chính, ACV đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế rà soát tiến độ. Từ đó lập tiến độ thi công của các gói thầu trên đảm bảo phù hợp với tiến độ triển khai của các gói thầu chính đang thi công để tránh tối đa các xung đột, giao cắt, đảm bảo khớp nối tiến độ với các công trình chính, tạo sự đồng bộ giữa các hạng mục về mặt kỹ thuật cũng như tiến độ tổng thể của dự án.
Đặc biệt, ACV phối hợp với các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công áp dụng công nghệ BIM trong quá trình triển khai thiết kế, thi công và trong quá trình quản lý dự án để có các phương án, lường trước các điểm giao cắt giữa các gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ giữa các hạng mặt kỹ thuật cũng như tiến độ tổng thể của dự án.
BIM (Building Information Modeling) là mô hình tiên tiến giúp tạo lập và sử dụng thông tin hiệu quả xuyên suốt dự án từ giai đoạn thiết kế, thi công đến vận hành công trình. Theo đó, các nhà tư vấn thiết kế cũng như các nhà thầu xây dựng sử dụng các phần mềm BIM để tạo nên một mô hình của công trình trên máy vi tính. Mô hình này sẽ giống hệt như công trình thực tế ở ngoài công trường, được sử dụng để thể hiện toàn bộ vòng đời của một công trình xây dựng từ khâu thiết kế, thi công, cho đến khâu vận hành.
Nguồn: https://cafef.vn