Bất chấp giá vàng liên tục leo thang, nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 30/4, Hội đồng Vàng Thế giới đã chính thức công bố báo cáo “Các xu hướng nhu cầu vàng”, theo đó nhu cầu vàng cả quý 1/2024 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, lên 1.238 tấn, ngưỡng cao nhất trong 7 năm qua, tức kể từ năm 2016.
Đóng góp quan trọng vào nhu cầu vàng kỷ lục này là các ngân hàng trung ương ở mọi khu vực, cùng các nhà đầu tư châu Á.
Các ngân hàng trung ương đã bổ sung thêm 290 tấn vàng vào kho dự trữ trong quý 1. Con số này tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 69% so với mức trung bình hàng quý trong 5 năm. Đây là quý khởi đầu mạnh mẽ nhất của khu vực ngân hàng trung ương so với bất kỳ năm nào kể từ năm 2020, khi WGC bắt đầu thống kê dữ liệu. Các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu làn sóng mua vàng trong quý vừa qua.
WGC đánh giá, nhu cầu của khu vực ngân hàng trung ương là động lực chính thúc đẩy đà tăng giá gần đây của vàng bất chấp các thách thức vĩ mô bao gồm lợi suất cao của trái phiếu chính phủ Mỹ và sức mạnh của đồng đô la Mỹ.
Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu làn sóng mua vàng trên thế giới, đạt hơn 300 tấn trong quý I, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng sau lần lượt là Ấn Độ và khu vực Trung Đông.
Cũng theo báo cáo, tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng nói chung đạt 18,3 tấn, tăng 6,13% so với cùng kỳ năm 2023 và lọt top 10 quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Trong đó, nhu cầu vàng miếng và vàng xu chứng kiến mức tăng 12% so với cùng kỳ, ở mức 14,1 tấn.
Tuy nhiên, tại Việt Nam đã có sự suy giảm đáng kể về nhu cầu vàng trang sức, giảm 10% xuống còn 4,1 tấn so với. Đây cũng là xu hướng của nhiều thị trường trên thế giới.
Giá vàng trong nước kể từ đầu năm liên tục tăng theo giá thế giới, vàng miếng SJC có thời điểm vượt mốc 85 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn có lúc đạt hơn 78 triệu đồng/lượng. Dù giá tăng nóng, không ít người dân vẫn tìm mua vàng. Vàng miếng trước đây vốn được ưa chuộng hơn song hiện vàng nhẫn mới là mặt hàng được hỏi mua nhiều nhất. Thậm chí, nhiều thời điểm các tiệm vàng rơi vào cảnh khan hiếm vàng nhẫn.
Có thể thấy, tích lũy vàng để đầu tư, đầu cơ và phòng ngừa rủi ro vốn là thói quen của nhiều thế hệ người Việt, đặc biệt khi tình hình thế giới có nhiều biến động.
WGC nhận định, cú bứt tốc mạnh mẽ của giá vàng trong tháng 4 có thể thúc đẩy hoạt động tái chế tăng thêm và làm giảm nhu cầu trang sức vàng trên toàn cầu. Nhưng rủi ro địa chính trị dâng cao và nhu cầu đầu tư trang sức vàng ở một số thị trường lớn sẽ hạn chế sự suy giảm này.
Trong thời gian còn lại của năm, WGC kỳ vọng nhu cầu của các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi và nhà đầu tư nhỏ lẻ hỗ trợ thị trường vàng.
Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao của WGC cho biết, trong năm 2024, vàng có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với dự đoán của WGC vào đầu năm. Bà nói thêm, nếu giá vàng chững lại trong những tháng tới, một số người mua nhạy cảm về giá có thể quay lại thị trường. Nhiều nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm đến vàng như tài sản trú ẩn an toàn trong khi chờ đợi sự rõ ràng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Khánh Vy