Vụ 43ha ‘đất vàng’ tại Bình Dương liệu có kháng nghị?

Bởi
Rate this post

Đại diện Viện kiểm sát rất quyết liệt khi nêu quan điểm ‘Cần phải kiên quyết bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân dân, triệt để thu hồi tài sản…’

Mặc dù đại diện cơ quan nắm quyền công tố tại tòa đã rất quyết liệt khi nêu quan điểm: Cần phải kiên quyết bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân dân; Triệt để thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt; Đề nghị HĐXX tuyên trả lại khu đất 43 ha về cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương quản lý.

Tuy nhiên, ngày 30/8 vừa qua, HĐXX Tòa án nhân dân Hà Nội (phiên sơ thẩm) tuyên tạm giao cho Công ty Tân Phú tiếp tục quản lý khu đất 43 ha đã gây nghi ngại trong dư luận.

Chiêu trò thâu tóm tài sản Nhà nước

Tổng Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu, bị cáo Nguyễn Văn Minh được giao là Tổng Giám đốc.

Tổng Công ty 3/2 được giao quản lý và sử dụng 2 khu đất có diện tích 43 ha và 145 ha tại TP Thủ Dầu Một để làm dự án.

Tại khu đất 43 ha, sau khi được giao đất, bị cáo Minh mang đi góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú (sau đây gọi tắt là Công ty Tân Phú).

Công ty Tân Phú là một công ty liên danh giữa Tổng Công ty 3/2 và Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc (do Nguyễn Đại Dương, con rể bị cáo Minh nhờ người khác đứng tên lập ra).

Tại liên danh nêu trên, Tổng Công ty 3/2 nắm 30% cổ phần (tương đương 60 tỷ đồng), Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng (tương đương 70%).

Khi Tổng Công ty 3/2 thực hiện cổ phần hóa, Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu chuyển khu đất 43 ha cho Công ty Impco (100% vốn Nhà nước, trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương). Tuy nhiên, các bị cáo đã không thực hiện.

Sau đó, Nguyễn Đại Dương đã trực tiếp đàm phán với bà Đặng Thị Kim Oanh để ký hợp đồng hứa mua, hứa bán với Công ty Kim Oanh (liên quan đến đại gia Đặng Thị Kim Oanh) với giá 350 tỷ đồng bằng hình thức mua 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc tại Công ty Tân Phú.

Công ty Âu Lạc cam kết sẽ nhận chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng Công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú để chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh.

Để tạo điều kiện cho Công ty Âu Lạc do con rể điều hành “trong màn trướng” thực hiện hợp đồng với phía bà Kim Oanh, Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo các thành viên hội đồng thành viên thống nhất chuyển nhượng 30% cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.

Ngày 30/11/2016, Nguyễn Văn Minh tổ chức họp Hội đồng quản trị Tổng Công ty 3/2 quyết định chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú với giá thỏa thuận từ 6 năm trước là 570.000 đồng/m2.

Dù Công ty Tân Phú mới thanh toán được 140/250 tỷ đồng, Tổng Công ty 3/2 vẫn đề nghị sang tên và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Phú.

Sau khi nắm giữ 100% vốn tại Công ty Tân Phú và dự án trên khu đất 43 ha, Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương đã thực hiện chuyển nhượng lại cho công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh với giá 350 tỷ đồng…

Như vậy, công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh là chủ sở hữu của Công ty Tân Phú (có dự án 43 ha). Hành vi của các bị cáo kể trên đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước số tiền là 984,6 tỉ đồng.

Cần kháng nghị để bảo vệ tài sản Nhà nước

Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

“Vì tính chất nghiêm trọng của vụ án, năm 2020 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quyết định đưa vụ án Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo”.

Đại diện Viện Kiểm sát nắm quyền công tố tại tòa nhấn mạnh rằng, vụ án được đưa ra xét xử thể hiện sự quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý; kiên quyết bảo vệ tài sản Nhà nước, của nhân dân, triệt để thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt.

Sai phạm của các bị cáo rất nghiêm trọng, gây thất thoát tài sản đặc biệt lớn, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước nên phải có hình phạt nghiêm khắc.

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên trả lại khu “đất vàng” 43 ha về cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương quản lý.

Tuy nhiên, trình bày trước HĐXX, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Tân Phú và Công ty Kim Oanh đề nghị tòa tuyên án theo hướng cho Công ty Kim Oanh nộp khoản tiền chênh lệch và được tiếp tục thực hiện dự án trên khu đất 43 ha, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp cho “người thứ ba ngay tình”.

Chiều 30/8, HĐXX Tòa án nhân dân Hà Nội phiên sơ thẩm đã tuyên án. Ngoài mức án đã tuyên cho từng bị cáo, HĐXX cũng đã có tuyên về “số phận” hai khu đất 145 ha và 43 ha.

Với khu đất 145 ha, HĐXX đề nghị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi trả lại cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương (như quan điểm của Viện Kiểm sát tại tòa); đề nghị Tỉnh ủy Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương xem xét giải quyết quyền lợi của các cổ đông Công ty Tân Thành, Ngân hàng BIDV và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến khu đất 145 ha trong quá trình xử lý thu hồi đất.

Nhưng với khu đất 43 ha, HĐXX cấp sơ thẩm xác định bị cáo Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm đã thực hiện việc chuyển nhượng trái pháp luật khu đất trên cho Công ty Tân Phú. Công ty Âu Lạc là chủ sở hữu Công ty Tân Phú đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh.

Công ty Kim Oanh nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Công ty Tân Phú là… ngay tình. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, đơn đề nghị của Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương, HĐXX xét thấy cần tạm giao cho Công ty Tân Phú tiếp tục quản lý khu đất 43 ha, đề nghị UBND tỉnh Bình Dương nghiên cứu, xem xét xác định đầy đủ các nghĩa vụ tài chính Công ty Tân Phú phải nộp đối với khu đất 43 ha, bảo đảm không gây thất thoát tài sản cho Nhà nước và đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.

Việc HĐXX cấp sơ thẩm TAND Hà Nội tuyên hướng xử lý đối với khu đất 43 ha như trên đang gây nghi ngại trong dư luận, trái với quan điểm xử lý vụ án trước đó của đại diện cơ quan nắm quyền công tố tại tòa.

Trao đổi với phóng viên sau phiên tòa này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thu hồi khu đất 43 ha, trả về cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương quản lý. Trong trường hợp nếu tiếp tục thực hiện dự án thì khu đất 43 ha như đã nêu cần phải được thực hiện đấu giá, hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án. Như vậy mới đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật, thu được lợi ích tối đa cho Nhà nước, nhân dân.

Theo: giaoducthoidai.vn

Giới thiệu tổ hợp Khu Chợ – Công Viên – Khu Vui chơi – Cafe Miễn phí

Để lại một bình luận

Bài viết liên quan

Thiết kế website bởi Brand Design

Công nghệ mới bởiVZ99S666

Sân chơi mầm non TMA